Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Nguyên lý Thiên địa vạn vật nhất thể

Nguyên lý Thiên địa vạn vật nhất thể

Nhận thức về Đạo và Thượng Đế ở mục trước là yếu điểm hết sức cơ bản của nền giáo lý Đại Đạo, nêu cao tính phổ quát làm nền tảng và cứu cánh của mọi tôn giáo.

Sau khi đã trực nhận được như thế, chủ thể con người – đứng giữa Trời Đất và vạn vật – có thể phát biểu một nguyên lý khái quát hóa toàn bộ chân lý của thực tại hiện hữu trước mắt, trong đó có cả chính mình. Bởi vì từ thuở sơ khai của sự sống, sự sinh tồn của vạn vật bao giờ cũng nằm trong môi trường sống của vũ trụ, được tổng hợp từ muôn vàn yếu tố của thiên nhiên, của không thời gian diễn biến không ngừng để sanh hóa và tiến hóa. Cái lẽ sống duy nhất và vĩnh cửu của vạn vật được bao hàm trong Trời Đất chính là Bản thể của vũ trụ. Và nguyên lý nói trên chính là Nguyên lý Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể.

Nguyên lý này có thể được diễn đạt bằng các mối tương quan giữa các phạm trù "Thiên địa" – "Vạn vật"; "Thiên địa" – "Con người"; "Con người – "Vạn vật; "Con người – "Con người".


1.  Tương quan – tương đồng giữa các phạm trù thiên địa và vạn vật: 
Thiên Địa. Trong nguyên lý này, Thiên Địa (hay Trời Đất) không phải là không gian vũ trụ vật chất. Con người Đại Đạo nhìn Trời Đất như một tổng thể có sức sống vĩ đại mà giáo lý Đại Đạo có thể diễn giải bằng phạm trù Càn-Khôn. Càn, hay Thiên, là nguyên lý tác động và định hình (principe actif-formatif); Khôn, hay Địa, là nguyên lý tiếp thâu nuôi dưỡng (principe réceptrif-nutritif).

Như thế Thiên Địa là thực tại vĩnh cửu, cho dù các hành tinh hay muôn ngàn thiên thể có di chuyển, đổi thay, nổ vỡ hay biến mất.

Vạn vật. Tất cả vật chất và sinh vật là hiện thân của tiềm năng Trời Đất. Tiềm năng ấy là bản thể của Càn Khôn, cũng là bản thể của vạn vật. Giáo lý Đại Đạo dùng khái niệm LINH QUANG ám chỉ bản thể ấy trong các sở vật thực tại.


Trong phạm trù vạn vật, giáo lý Đại Đạo nhìn nhận rằng: vô số chủng loại đang hiện hữu không chỉ là những tạo vật thụ hưởng một bản thể chung, mà còn đang dự phần vào một dòng tiến hóa liên tục, trong đó, loài thô sơ là tiền thân của loài tinh tấn. Dòng tiến hóa này cuối cùng sẽ mang về cho Trời Đất những chủ thể hoàn hảo nhất, góp phần vào sự thành đạt cứu cánh chân thiện mỹ của Thiên cơ.

Vậy, Thiên Địa là bản thể, bản căn của cuộc sinh hóa, và là tồn tại vĩnh cửu của thực tại vũ trụ vạn vật, cho dù vạn vật cứ tiếp diễn vô số chu trình thành trụ hoại không. Còn bản thân sự hiện hữu của vạn vật là trường tiến hóa.

Giáo lý Đại Đạo gọi bản thể ấy là Khí, bản căn ấy là Lý để nêu lên mối tương đồng tương quan giữ thiên địa vạn vật trong cơ nguyên sinh hóa, biến hóa và tiến hóa của vũ trụ. Khí là tuyệt đối thể thuộc Vô cực; Lý là nguyên lý Am Dương của Thái Cực Đại Linh Quang.

Tóm lại, "Trời Đất" và "vạn vật" có những tương quan mật thiết từ trong nguồn gốc hóa sanh, hình thành, công dụng và tiến hóa. Tất cả, theo giáo lý Đại Đạo, đều được bao hàm trong ĐẠO:
 

"Đạo dựng nên Đất trời. Trời đất do Đạo [mà] hóa sanh vạn vật. Vạn vật cũng do Đạo [mà] tiến hóa không ngừng. Vì vậy nên trong vạn vật đều có Đất Trời, tức là có Đạo vậy. Từ loài khoáng sản đến côn trùng, thảo mộc, thú cầm, và nhơn loại đều chịu định luật chung của Đạo". [1]

2.  Tương quan - tương đồng giữa thiên địa và con người:

Vạn vật – kể cả con người – cũng có Bản thể Linh Quang đồng nhất, nhưng chỉ có con người là loài đạt thành cấu thể của một Tiểu Thiên Địa.

"Người là Tiểu Thiên Địa đó,
Người với Trời nào có khác chi;
Hễ Trời có những món gì,
Người người đều cũng đủ y như Trời."
[2]
Nói cách khác, Con Người là vũ trụ thu gọn, tức là một Tiểu Càn Khôn, một Tiểu Thái Cực.

Vậy, ngoài Bản thể Linh Quang tương đồng, Đại Thiên Địa và Con Người lại tương đồng ở cơ nguyên vận động nội tại hoàn bị nhất của một Thái Cực.
Nhưng Con Người không phải là một hệ thống vận động vô tri. Giáo lý Đại Đạo xác tín Thượng Đế, Đấng Chủ tể Càn Khôn và cũng nhìn nhận Con Người là một chủ thể, một tiểu ngã tương ứng với Đại Ngã Thái Cực Thánh Hoàng (Thượng Đế). [3]

Cái căn cơ của chủ thể Con Người là Chơn Tánh, là ánh sáng Linh Quang của sinh vật đạt đến nhân vị.


"Tánh ấy là gì? Tánh là NGUYÊN LÝ sở dĩ sanh ra nhân loại; thế nên cái Bản Nguyên về tinh thần của con người là Lý. Lý ấy rất linh diệu thiêng liêng của Trời đã phân ra mà ban cấp cho mỗi người, nên Lý ấy tức là Tánh vậy."
[4]

Như thế Thiên Địa và Con Người là hai thực thể thống nhất về bản thể, về cơ cấu, về cơ nguyên vận động nội tại và quyền năng chủ sử. Những mối tương quan nhạy bén giữa hai thực thể đó thường xuyên biểu hiện trên sinh lý lẫn tâm linh con người.

Điểm đặc biệt là khả năng cảm ứng giữa Thượng Đế và Con Người. Chính mối thông linh này là cứu cánh tiến hóa giải thoát, đồng thời là điều kiện thực hành sứ mạng THẾ THIÊN HÀNH HÓA của Con Người Đại Đạo đối với nhân sanh.
"Trời với Người cũng đồng một lý, một khí mà ra thì không cảm ứng nhau sao được."
[5]

3. Tương đồng – tương quan giữa con người và vạn vật, giữa con người và con người:


3.1. Con người và vạn vật:
Vạn vật và con người cùng nguồn gốc với vũ trụ, vì đều là những thực tại được biểu hiện ra từ Đại Bản Thể duy nhất hay Vô Cực. Đương nhiên, hai đối tượng này tương đồng về Bản thể. Nhưng điểm đặc sắc là mối tương quan chặt chẽ trong sự sống và sự tiến hóa.


3.1.1.Trong sự sống:
Con người không thể sống trong nhà kính, tách biệt với môi trường sống. Môi trường sống có sinh thái được cân bằng bởi sự sống của thế giới các sinh vật, từ thảo mộc cho đến côn trùng, chim chóc và muôn loài động vật khác.

Thứ nữa, con người phải tự nuôi sống mình bằng sản phẩm của thiên nhiên. Cơ thể con người là một tổng hợp tinh chất của vạn vật. Sự sống của con người và của vạn vật có mối tương quan tương ứng hài hòa, vừa trực tiếp vừa gián tiếp.

Tâm đức của con người trong sinh hoạt, trong đời sống xã hội có ảnh hưởng rất sâu sắc đến thiên nhiên-thời tiết, đến thế vận của chúng sanh:

 "Nếu dân chúng nơi nào vô đạo ác tâm, thì địa phương đó phải xảy ra biết bao nhiêu cảnh đảo điên tai ách, nào chiến họa binh đao, đạo tặc, thủy hỏa, hoàng trùng, ôn dịch tưng bừng óng dậy nhiễu hại dân sanh. Nếu dân chúng biết hồi đầu hướng thiện, biết trọng đạo tâm, biết làm lành lánh dữ, biết tu niệm học hành đạo lý, thì hãy vẹt khoát những gì tối tăm đang che lấp đạo tâm để được sự cứu rỗi trong kỳ mạt kiếp." [6]

3.1.2.Trong sự tiến hóa:

Mối tương quan giữa con người và vạn vật đã được xác định là hài hòa trong không gian, giáo lý Đại Đạo lại công nhận có sự chuyển tiếp liên tục giữa sự sống của vạn vật và con người qua thời gian vô tận. Đó là chu trình tiến hóa của vũ trụ vạn vật từ Bản Thể Đại Linh Quang hóa sanh khoáng sản, rồi từ khoáng sản tiến hóa lên thảo mộc, cầm thú, từ cầm thú đến con người qua vô vàn cuộc tái sinh.

Hai mối tương quan trong sự sống và trong sự tiến hóa trở thành quy luật nhất quán trong tổng thể sinh động và tiến hóa của vũ trụ theo nguyên lý Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể.

Trong Đại Thừa Chơn Giáo có viết:
"Người là gốc của muôn vật, muôn vật là ngọn của loài người; mà Trời Đất là gốc của loài người, người là ngọn của Trời Đất." [7]

Thế nên, vạn vật nhờ hiến thân phục vụ cho sự sinh tồn của thiên nhiên, cho loài người, đồng thời cũng được người chăm sóc nuôi dạy mà tiến hóa dần dần.
Loài người với loài vật vốn như anh em đồng một Cha chung Tạo Hóa, anh lớn khôn phải thương yêu dìu dắt em khờ dại để cùng tiến hóa mới xứng đáng "quyền huynh thế phụ".

3.2. Con người và con người:
Trong phạm trù con người, mối tương quan giữa cá thể và toàn thể càng mật thiết hơn.


3.2.1. Trên phương diện xã hội:
Từ khi mới có loài người trên địa cầu, con người không thể sống đơn độc mà phải sống trong quần thể. Chính quần thể xã hội là mô hình sinh hoạt tự nhiên để bảo tồn và phát triển cuộc sống của những cá thể đồng loại, đồng tính, và hơn nữa đồng huyết thống trong quan hệ gia tộc.


"Đã nói rằng Đạo là phương châm để cứu đời, để tạo niềm tin, để gầy dựng hạnh phúc toàn vẹn cho xã hội. Lẽ dĩ nhiên, tôn giáo đạo lý phải nhắm vào cái đại thể to tát, cái sinh hoạt rộng lớn đó là nhân sanh.
Đạo lý không chỉ trọn vẹn trong giáo điều kinh sách, mà phải tràn lan trong sự thế, trong nhựt dụng thường hành của nhơn loại. Chấp nhận điều ấy, con người học đạo, hành đạo sẽ ý thức việc tạo lập trật tự an lạc để thực hiện hạnh phúc cho nhân sanh."
[8]

3.2.2. Trên phương diện dân tộc:

Mối tương quan giữa cá thể con người và dân tộc rất đậm đà sâu sắc do quá trình lịch sử hình thành, đấu tranh để sống còn và lao động để tiến bộ và xây dựng nên nền văn minh chung của dân tộc. Nét đậm đà đặc sắc đó được tìm thấy ở lòng yêu nước dân tộc của mỗi người.

Xã hội và dân tộc thể hiện cao độ tính nhất thể của vũ trụ vạn vật với con người, đã vượt lên trên các sinh vật khác bằng lý trí và tình cảm của mình.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu đã dạy:
"Một vùng, một nước, con ban rải tình thương, dầu kẻ kia là thú mới tiến hóa nên người, bản tánh hung hăng thô bạo, nhưng không thô bạo trước sự vỗ về ban bố tinh thần vật chất, ban bố sự sống cho nó. Bởi những đứa hưởng phúc không biết tạo thêm cảnh thiên đàng cực lạc cho chính xã hội, quốc gia mình, nên mới có cảnh khổ ngày nay đó các con." [9]

3.2.3. Trên phương diện nhân loại:
Mối tương quan giữa con người và con người không phải chỉ mật thiết do tình cảm gia tộc, tình yêu dân tộc. Và nếu chỉ có thế, con người không được xếp vào hàng tam tài và cũng không thể phát biểu nguyên lý "Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể".
Giáo lý Đại Đạo nêu lên sự đồng nhất của mọi cá thể, của mọi dân tộc, của toàn thể nhân loại là Nhân Bản. Nhân Bản là giá trị tiến hóa nên NGƯỜI, là khả năng phản ảnh Thượng Đế tại thế gian.

Thế nên, xét theo quá trình tiến hóa, phải quý trọng quyền con người – dù là người ở trình độ nào, giai cấp nào. Xét về Nhân tính, phải có tình thương yêu đồng loại, không phân biệt màu da sắc tộc. Xét về Thượng Đế tính, phải xây dựng một thế giới hòa bình hạnh phúc tiến bộ về nhân sinh và thăng hoa cả tâm linh.
"Vạn đóa hoa thơm một cội cành,
Nào người sứ mạng biết cho chăng?
Tình non đi với tình nhơn loại,
Nghĩa nước chung nguồn nghĩa chúng sanh."
[10]




-------------------------------------------------------------------
[1] Đức Di Lạc Thiên Tôn; Trúc Lâm Thiền Điện, Ngọ thời, 02-01 Bính Ngọ (22-01-1966); Thánh Giáo Sưu Tập 1966-1967, tr.10.

[2] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 28-8 Bính Tý (13 Octobre 1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1956), bài "Thiên bàn", tr.63.

[3] Đức Vạn Hạnh Thiền Sư; Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 22-7 nhuần Mậu Thân (14-9-1968); Thánh Giáo Nguyên Bổn: "Nếu đứng trên phạm vi con người thì trời đất là một vũ trụ bao la. Nhưng trên cương vị một hạt vi trần thì con người quả là một vũ trụ vô lượng. Trong vũ trụ, con người quả là một hạt cát trong bãi sa mạc hoang vu, nhưng là hạt cát biết suy nghĩ.."

[4] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 16-9 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 38 "Tồn tâm dưỡng tánh", tr.366.

[5] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 16-9 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 38 "Tồn tâm dưỡng tánh", tr.366.

[6] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Vĩnh Nguyên Tự, Ngọ thời, 27-01 Ất Mão (09-03-1975); Thánh Giáo Nguyên Bổn.

[7] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 12-8 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 33 "Nhơn vật tấn hóa", tr.306.

[8] Đức Lê Văn Duyệt Đại Tiên; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tý thời, 14 rạng 15-02 Canh Tuất (21-3-1970); Thánh Giáo Sưu Tập 1970-1971, tr.26.

[9] Đức Diêu Trì Kim Mẫu; Vĩnh Nguyên Tự, Tuất thời, 11-11 Bính Thìn (31-12-1976); Thánh Giáo Nguyên Bổn.

[10] Đức Phan Thanh Giản; Trúc Lâm Thiền Điện, Ngọ thời 08-4-Tân Hợi (02-5-1971); Thánh Giáo Sưu Tập 1970-1971, tr.211.

 
Trích quyển Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo
Nguồn:nhipcaugiaoly.com