Cuộc chiến với những khối u
SGTT.VN - Trước khi gặp ông, trong trí tưởng tượng của tôi một bác sĩ giải phẫu nước ngoài phải vạm vỡ và cao lớn, nhưng ông lại gầy ốm và tầm thước. Thế mà ông gần như trở thành tâm điểm trong tuần qua khi trong ba ngày liên tiếp mổ cho ba ca bệnh cực khó, ca nào cũng kéo dài 8 – 10 tiếng đồng hồ. Tên ông là McKay McKinnon.
Người giải quyết những ca mổ “bướu khủng”
“Sau ba ngày làm việc căng thẳng và bận rộn, giờ đây tôi thật sự thoải mái và nhẹ nhõm. Hôm nay tôi vừa đi thăm các bệnh nhân về, sức khoẻ của họ đều ổn định và tiến triển tốt, tôi thật sự hạnh phúc, mọi mệt nhọc như tan biến”, ngồi thư giãn bên ly nước vào chiều ngày 8.1, vài giờ trước khi ra phi trường về Mỹ, BS McKay McKinnon chia sẻ với tôi như thế.
BS McKinnon bên giường bệnh nhân Nguyễn Duy Hải sau ca mổ ngày 5.1
Trong mắt không ít người, hàng trăm bài viết dồn dập của giới truyền thông trong và ngoài nước tuần qua về ba ca bướu kỳ dị là nhiều, nhưng theo tôi tất cả vẫn chưa hoàn chỉnh vì chân dung của người bác sĩ mang lại hạnh phúc cho bệnh nhân – BS McKinnon – chưa được khắc họa rõ nét. Ông chia sẻ: “Thú thật, thách thức lớn nhất của chúng tôi trong ba ca phẫu thuật là chỉ có thông tin về bệnh nhân – đặc biệt là anh Nguyễn Duy Hải. Tôi không biết nhiều về khả năng chuyên môn của êkíp sẽ làm việc chung và phòng ốc, cơ sở vật chất chuẩn bị cho cuộc mổ như thế nào, mà chỉ biết mọi chuyện qua email. Thật sự không có gì là chắc chắn”.
Sự lo ngại của BS McKinnon cũng đúng, vì êkíp phẫu thuật không khác gì một dàn hợp xướng, trong đó bác sĩ phẫu thuật chính được ví như người lĩnh xướng và những người còn lại – dù hát ở bè nào – cũng đều quan trọng để tạo nên sự thành công của buổi diễn. Tuy nhiên, nếu một tác phẩm âm nhạc thất bại còn làm lại được thì trong phẫu thuật – giá của thất bại là chính sinh mạng bệnh nhân. Cũng lưu ý thêm, thành công của cuộc mổ còn phụ thuộc vào trang thiết bị và cơ sở vật chất, một khiếm khuyết nào đó trong khâu hậu phẫu hoặc kiểm soát nhiễm trùng, mọi công sức sẽ đổ sông đổ biển.
Thật ra đây không phải là lần đầu tiên BS McKinnon phẫu thuật những khối u kỳ lạ và khổng lồ như thế, cũng không phải là lần đầu tiên ông thực hiện một ca “bướu khủng” ngoài nước Mỹ. Năm 2004, ông đã đến thành phố Brasov – Rumania để giải thoát khối u nặng 80kg trên người chị Lucia Bunghez, 47 tuổi. Trước đó, năm 2000, ông phẫu thuật thành công một khối u còn nặng hơn, gần 91kg, cho một bệnh nhân ở bang Michigan – Mỹ. Cả hai bệnh nhân này đều chung một bệnh như anh Nguyễn Duy Hải: bệnh Von Recklinghausen, một dạng bệnh di truyền hiếm gặp.
Làm bổn phận người bác sĩ
“Động lực nào khiến ông đến Việt Nam để mổ cho anh Hải không tính phí như đã từng làm với chị Bunghez ở Rumania ?”, tôi hỏi. Ông trả lời: “Ai cũng phải kiếm sống, nhưng tôi không làm việc chỉ với mục đích kiếm sống. Những ca mổ như thế này rất đắt tiền, không phải bệnh nhân nào cũng có thể chi trả. Cuộc sống còn có những người nghèo, không đủ khả năng chi trả nên chúng ta phải quan tâm đến họ”. Cần nói thêm, sở dĩ ông đến Rumania mổ không tính công vì chi phí lên đến 300.000 USD, và chính phủ nước này không kham nổi một số tiền lớn nếu cuộc mổ diễn ra trên đất Mỹ.
Dừng lại đôi chút, ông đính chính: “Nhưng tôi không phải là BS Mỹ duy nhất thỉnh thoảng phẫu thuật miễn phí. Ở Việt Nam mổ miễn phí có thể là hiếm hoi, ở Mỹ chuyện này không hiếm. Ngay từ nhỏ, tôi đã được giáo dục cần phải quan tâm đến những người chung quanh. Người có điều kiện vật chất, có kiến thức, có việc làm phải quan tâm đến những người thiệt thòi bên cạnh mình. Đó là một tinh thần tôn giáo mà chúng tôi noi theo”.
Dù được thế giới biết tiếng qua những ca mổ “bướu khủng” trước đây và lần này ở Việt Nam , nhưng BS McKay McKinnon rất ít nói về mình. Trong trò chuyện, khi nói về thành công của ca mổ, ông thường dùng từ “chúng tôi” (we) thay cho “tôi” (I). Vì đó là một người khiêm tốn. Nhiều năm qua, ông thường xuyên đặt chân đến Choluteca – Honduras để phẫu thuật sứt môi và hở hàm ếch cho trẻ em nghèo. Hơn 500 trẻ đã được mổ không mất tiền dưới bàn tay tài hoa của ông – một bác sĩ phẫu thuật tạo hình. Khi tôi hỏi động lực gì để ông làm điều này, ông chỉ trả lời ngắn gọn: “Đó là bổn phận (duty) của tôi mà!”
Khi đề cập đến chuyện hành nghề giúp người, giúp đời, BS McKinnon vui hẳn. Ông nói: “Bác sĩ phẫu thuật là người mang kỹ năng mổ xẻ của mình ra phục vụ người khác khi được yêu cầu. Ở những vùng quê xa xôi của Mỹ hay những đất nước khác, khi bệnh nhân không có khả năng trả tiền cho cuộc mổ, tôi được mời đến để giúp họ. Ở nhiều nước, tôi còn hướng dẫn chuyên môn và chia sẻ kinh nghiệm điều trị cho các bác sĩ”.
Nguyễn Duy Hải, Thạch Sa Ly, Kiều Mỹ Dung qua bàn tay phẫu thuật của bác sĩ McKinnon đã có lại một hình hài bình thường.
Nhưng nào chỉ có thế, họ còn được trả lại nhân phẩm, bởi căn bệnh Von Recklinghausen quái ác khiến họ gần như bị cộng đồng sợ hãi và xa lánh. Có chứng kiến những ngày tháng Thạch Sa Ly hay Kiều Mỹ Dung sống khép mình trong cô độc, mặc cảm không dám bước chân ra khỏi nhà vì sợ làm kinh động mọi người chung quanh thì mới hiểu hết ý nghĩa những gì mà BS McKinnon mang lại.
Âu đó cũng là món quà mừng năm mới cho những bệnh nhân Việt Nam . Món quà từ một bác sĩ Mỹ.
Phan Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét