Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

Quan niệm về Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế trong Tam Kỳ Phổ Độ

 


Quan niệm về Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế
trong Tam Kỳ Phổ Độ



TIỂU-DẪN
Hầu hết nhân loại, bất kỳ theo khuynh hướng nào, dù có tín ngưỡng hay bài bác thần-linh, cũng đều nhìn-nhận rằng: con người có hai phần thể-xác và linh-hồn. Thể xác hữu-hình thì ai cũng dễ-dàng nhận thấy là do cha mẹ sinh-thành, còn linh-hồn đóng vai trò chỉ-huy sự sống của thể-xác, thì do ai sanh; cũng như vũ-trụ vạn-hữu do ai tạo-dựng. Theo khoa-học thực-nghiệm thì chẳng ai tạo ra cả, mà vũ-trụ hình-thành là do sự kết-hợp ngẫu-nhiên của vật-chất, linh-hồn do thể-xác mà có. Còn theo các triết-gia thì họ lại nhận-định như sau:
Theo triết-gia Voltaire nói rằng: "Không có chiếc đồng hồ nào mà không có người thợ làm đồng-hồ" (II ne peut y avoi d'horloge sans horlorger).
Theo Đức Lão-tử thì: Dưới trời cái gì cũng đều có nguồn gốc, nguồn-gốc đó là cha mẹ của thiên-hạ (Thiên-hạ hữu thỉ, dĩ vi thiên-hạ mẫu/ Đạo-đức kinh) tức là Ngài đã xác nhận rằng tất-cả vạn-vật dưới gầm trời đều có một Đấng cha mẹ chung sinh ra.
Còn vấn-đề nầy theo phần đông nhân-loại hiện nay, nhất là các tôn-giáo, họ đều nhìn nhận rằng có một Đấng đã tạo nên Vũ-trụ và vạn hữu chúng-sanh gồm cả hai phần thể-xác và tâm-linh, lại còn ban cho vạn-vật cái bản-năng sinh-tồn để tiến-hoá. Tùy theo tín-ngưỡng, màu sắc văn-hóa và địa-phương mà con người tôn-xưng Đấng ấy với nhiều danh-hiệu khác nhau. Đó là Jéhovah là Allah, là Brahma, là Đức Chúa Trời, là Ngọc-Hoàng Thượng-Đế, là Ông Trời, là Tạo-Hóa hay Hóa-Công, là Chân-Như, là Đạo, là Thái-Cực... Các tín-ngưỡng này đóng vai trò quan-trọng xuyên-suốt chiều dài lịch-sử văn-hóa của nhiều dân-tộc. Ngày nay các nhà khoa-học xã-hội cũng thừa-nhận rằng tín-ngưỡng là một phần quan-trọng trong sinh-họat văn-hóa của con người không thể thiếu được.
Trong chiều hướng đó, đức-tin Cao-Đài giáo tôn-thờ Đấng đã ban cho vạn loại sự sống là Đấng Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế. Để có một chánh-tín về Ngài và có một tư-duy đúng-đắn về bản-thể và quyền-năng của Ngài, chúng ta thử theo dõi phần sưu-thảo sau đây:

KHÁI NIỆM VỀ
ĐỨC CHÍ TÔN - NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ
Tín-ngưỡng của Cao-đài giáo tôn thờ một Đấng tối-cao, toàn-năng, toàn-thiện đã tạo-lập nên vũ-trụ và vạn-hữu chúng-sanh, gọi là Đức Chí-Tôn hay Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế.
Người tín-đồ Cao-Đài được mặc-khải rằng Thượng-Đế từ hư-vô mà có, bất-sanh bất-diệt, vô-thỉ vô-chung. Ngài là Đấng tự có, hằng có và hằng còn, Ngài luôn hiện-hữu trong không-gian vô-biên và thời-gian vô-cùng. Về điểm này Thánh-giáo Đức Chí-Tôn dạy rằng:
"Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong càn-khôn thế-giái, thì khí hư-vô sanh ra có một Thầy, ngôi của Thầy là Thái-cực, Thầy phân Thái-cực ra Lưỡng-nghi, Lưỡng-nghi sanh Tứ-tượng, Tứ-tượng biến Bát-quái, Bát-quái biến-hóa vô-cùng mà tạo lập Càn-khôn thế-giái. (Thánh ngôn hiệp tuyển / quyển 2/ trang 61).
Câu Thánh-ngôn này theo Ngài Tiếp-Pháp Trương Văn Tràng đã giải nghĩa như sau:
"Theo bài Thánh-ngôn nầy mà suy, chúng ta hiểu như vầy: Thoạt kỳ thủy, Khí Hư-vô sanh có một Đức Chí-Tôn và Thái-cực. Kế đó Ngài ngự trên Ngôi Thái-Cực và điều-khiển Thái-Cực sanh ra Âm Dương. Từ đó về sau Lưỡng-Nghi cứ biến hóa mà tạo thiên lập địa" (Trích Giáo-lý Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ/Tiếp Pháp Trương-Văn-Tràng).
Thượng-Đế đã dạy rằng: chính Ngài đã tạo-lập nên vũ-trụ vạn-hữu, Ngài đã ban cho chúng-sanh sự sống và tấn-hóa, và Ngài còn cho biết rõ tuần-tự của sự tạo-dựng và sinh-hóa ấy như sau:
"Khai thiên địa vốn Thầy, sanh Tiên, Phật cũng Thầy, Thầy đã nói một chơn-thần mà biến ra càn-khôn thế-giới và cả nhơn loại. Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy.
"Các con là chư Phật, chư Phật là các con.
"Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần Thánh Tiên Phật."
(TNHT/QI/trang 48).

Không những Đức Chí-Tôn chỉ sinh-hoá ra loài người và Thần Thánh Tiên Phật, mà Ngài còn tạo ra sự sống cho chúng-sanh trong khắp càn-khôn vũ-trụ. Nên Ngài đã dạy thêm rằng:
"... Thầy phân tánh Thầy mà sanh ra vạn-vật là: vật-chất, thảo-mộc, côn-trùng, thú-cầm, gọi là chúng-sanh.
"Các con đủ hiểu rằng:
"Chi chi hữu sanh cũng do bởi chơn-linh Thầy mà ra, hễ có sống ắt có Thầy, Thầy là Cha của sự sống ...
"Cái sống của cả chúng-sanh, Thầy phân-phát khắp càn-khôn thế giới
..." (Thánh-ngôn hiệp-tuyển/ Quyển 2/ Trang 62).
Theo Thánh-ngôn trích-dẫn trên thì Ngài chính là Đấng Tạo-Hóa đã ban cho chúng-sanh sự sống, sự sống này không chỉ có nơi hành-tinh chúng ta, mà sự sống còn có trên khắp vũ-trụ, đây là một điều mang tính-chất thiên-khải mới mẻ mà Đức Chí-Tôn đã hé mở cho loài người biết từ khi mới khai Đạo, điều mà khoa-học hiện-nay đã căn-cứ vào một vài dữ-kiện mới thăm dò được đã phỏng- đoán rằng có thể có sự sống ở ngoài hành-tinh chúng ta.
Thượng-Đế còn cho biết thân-phận con người rất cao-trọng, vì con người có thể trở thành Phật, trở thành Thượng-Đế. Sự tương-quan giữa nhân-loại với Thần Thánh, Tiên, Phật và với Thượng-Đế, cũng đã được Ngài dạy rằng:
"... Một chơn-thần Thầy mà sanh-hóa thêm chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần và toàn cả nhơn-loại, nên chi các con là Thầy, Thầy là các con." (TNHT/QI/trang 30).
Trong Thánh-kinh Cựu-ước có nói rằng Thượng-Đế sáng-tạo nên con người theo hình tượng của Ngài, nên có người đã suy ra là hình-ảnh của Thượng-Đế giống như con người; trong Cao-Đài giáo đã giải rõ thêm vấn-đề này trong kinh Thiên-đạo như sau:
"Đại Từ-phụ từ-bi tạo-hóa,
Tượng mảnh thân giống cả càn- khôn;
Vẹn toàn đủ xác đủ hồn,
Xoay cơ chuyển-thế bảo-tồn vạn-linh.”

(Kinh Tắm Thánh/ dòng 5-8).
Chúng ta không có thể kết-luận một cách cẩu-thả rằng Thượng-Đế là một thể xác hữu sanh hữu diệt như con người, thậm-chí có tình-cảm tư-dục như con người, mà phải hiểu rằng con người là hiện-thân của bản-thể và quyền-năng của Thượng-Đế, bản-nguyên của đại vũ-trụ do Thượng-Đế tạo-dựng, thì con người cũng được Thượng-Đế tạo dựng theo cái khuôn-linh mẫu-mực đó, nên con người được gọi là tiểu vũ-trụ. Con người lại có đủ cả xác lẫn hồn và cũng đủ quyền-năng, xoay cơ chuyển thế, thay mặt Thượng-Đế để bảo-tồn vạn-linh trong phạm-vi nhỏ hơn; nên trong Đại-thừa Chơn-giáo có câu:
"Người gọi là tiểu Thiên Địa đó,
Người với Trời nào có khác chi;
Hễ Trời có những món gì,
Thì người đều cũng đủ y như Trời.
 
(Đại-thừa chơn-giáo / trang 64).
Con người giống với Thượng-Đế là giống ở điểm: con người ai cũng có linh-hồn có thần-minh, mà thần-minh đó là Trời, nên trong Đại-thừa chơn-giáo còn nói thêm:
"Thật là diệu-diệu huyền-huyền,
Trời người có một chẳng riêng khác gì.
Trời là lý vô-vi tuyệt-duyệt,
Ấy là Thần phản-chiếu Càn-khôn;
Người kêu bổn-tánh linh-hồn,
Đời đời kiếp kiếp trường-tồn không hư.
 
(Đại-thừa chơn-giáo/ trang 65).
Bởi thế trong đức-tin của Cao-Đài giáo cho rằng con người có linh-hồn, do Trời ban, nó đời-đời bất-tiêu bất-diệt, con người có thể tấn-hóa theo con đường Thượng-Đế đã vạch sẵn là Đạo, để trở thành Phật, ngoài ra như Ngài đã cho biết con người cũng có thể trở thành Thượng-Đế, đồng phẩm vị với Ngài; nên trong Thánh-giáo có câu:
"Thầy đã nói đạo-đức cũng như một cái thang vô ngằn, bắt cho các con leo đến phẩm vị tối-cao, tối-trọng ngang bậc phẩm cùng Thầy, hay là Thầy còn hạ mình cho các con cao hơn nữa." (Thánh-ngôn hiệp-tuyển/ Quyển I/ trang 70).
Theo Thánh-kinh Cựu-ước mô tả rằng: Thượng-Đế rất nghiêm-khắc, tuy đã tạo-dựng nên vũ-trụ và vạn-hữu chúng-sanh, nhưng khi nhận thấy con người không còn tuân theo lời dạy của Ngài thì Ngài đã buồn rầu phán rằng:
"Ta sẽ hủy diệt khỏi mặt đất loài người mà ta đã dựng nên từ loài người cho đến súc vật, loài côn trùng, loài chim trời, vì ta tự trách đã dựng nên các loài đó."  (Sáng thế ký 6:7).
Nên Thượng-Đế đã trừng-phạt loài người tội-ác bằng trận hồng-thủy, chỉ có mình gia-đình Nô-ê đã biết sống theo lẽ công-bình, nên được Thượng-Đế cứu vớt mà thôi:
"Này là giòng dõi Nô-ê trong đời mình là một người công-bình trọn-vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời."   (Sáng thế ký 6:9).
Đây là cách giáo-hóa con người ở thời-đại bán khai, để họ biết sợ-hãi sự trừng-phạt mà không làm điều tội-lỗi, chứ theo lẽ công-bình của Tạo-hóa thì tai họa cá-nhân hay cộng-đồng là do nghiệp-quả của mỗi người hay tập-thể tạo ra mà thôi.
Theo đức-tin của Kitô giáo thì Thượng-Đế rất thương-yêu loài người, thậm-chí Ngài đã cho con là Ngôi Hai xuống thế-gian chịu chết để chuộc tội cho tổ- tông loài người. (Theo Thánh kinh Tân-ước).
Theo Thánh-ngôn Cao-Đài giáo, thì Thượng-Đế là Đấng có đầy hồng-oai (quyền-uy lớn), thưởng-phạt nghiêm-minh, nhưng cũng là Đấng đầy hồng-từ (từ-bi lớn), luôn thương yêu, ban phước, giảm tội cho chúng-sanh; theo đức-tin Cao-đài giáo tình-yêu của Thượng-Đế dành cho chúng-sanh trong đó có loài người thật là vô-lượng, vô-biên, Đức Chí-Tôn đã xác-nhận điều này như sau:
"Thầy thường nói với các con rằng: Thầy là cha của sự thương yêu. Do bởi thương yêu, Thầy mới tạo thành càn-khôn thế-giới và sinh-dưỡng các con" (TNHT/Q2/trang 63).
Tình yêu này đã thể-hiện trong sự tôn-trọng mạng sống, nên Đức Chí-Tôn còn dạy thêm rằng:
"Thầy là cha của sự sống, vì vậy mà lòng háo-sanh của Thầy không cùng tận.
"Nếu ai giết chết mạng sống, đều chịu quả-báo không sai...
"Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải dễ, các con gắng dạy nhơn-sanh điều ấy."
(TNHT/Q2/ trang 62).
Do đó giới-luật đầu tiên của Cao-Đài giáo là cấm sát sanh, chơn-truyền của Cao-Đài giáo còn dạy rằng Thượng-Đế là Ông Cha rất hiền-lành nên tôn-vinh Ngài là Đại Từ-Phụ, Ngài luôn luôn tha-thứ tội-lỗi cho loài người, chẳng bao giờ có ý muốn trừng-phạt. Thánh-giáo Chí-Tôn có câu:
"Các con nghe: Thầy buộc phải nói rõ cho các con đừng lầm mà trách Thầy. Cha hiền chả biết hành-hạ con-cái bao giờ, Thầy đã đến dìu dắt từng đứa, thì lẽ nào lại đành lòng xô-đuổi" (TNHT/QI/ trang 52).
Đức Chí-Tôn đối với những người lầm-lỗi đã không trách-phạt mà còn tạo cơ-hội cho họ cải tà qui-chánh nên Ngài đã cho biết:
"Từ khai thiên; Thầy đã sinh ra các con, sự yêu mến của một ông cha nhân-từ thế quá lẽ, làm cho đến nỗi con cái khinh-khi, phản nghịch lại, cũng như Kim-quang-sứ là A-tu-la, Thánh-giáo gọi là Lucifer phản nghịch... Thầy chẳng đã trách phạt Kim-quang-sứ lẽ nào lại trách-phạt các con." (TNHT/QI/ trang 100).
Không phải Đức Chí-Tôn không có quyền-hành trừng-phạt, nhưng vì lòng bác-ái và vì máy thiên-cơ nên Ngài không muốn:
"Máy thiên-cơ các con chưa rõ. Các con cứ tưởng lầm rằng Thầy không kèm chế kẻ vô-lương đặng. Các con hằng muốn thấy kẻ ấy bị hình-phạt nhãn-tiền thì mới vừa lòng các con, nhưng Thánh-ý Thầy không phải vậy đâu..." (TNHT/QI/ trang 97).
Thượng-Đế có đủ quyền hành vô-lượng, có thể tiêu-diệt những kẻ tội-lỗi, nhưng vì phép công-bình thiêng-liêng mà thôi.
"Cầm cả quyền-hành vô-lương nơi tay, Thầy ngó một cái cũng đủ tiêu-diệt chúng nó đặng, nhưng mà phép công-bình thiêng-liêng chẳng phải nên vậy." (NTHT/QI/ trang 44).
Đối với kẻ tội-lỗi Đức Chí-Tôn chỉ muốn cho họ cải-tà qui-chánh mới lập Đạo để cứu-vớt, vì đời không có tội-lỗi thì Thượng-Đế nhọc công lập Đạo làm gì, nên Thánh-giáo Chí-Tôn đã dạy rằng:
"Thầy lại nói buổi lập Thánh Đạo. Thầy đến độ-rỗi kẻ có tội-lỗi. Nếu đời không tội lỗi, đâu đến nhọc công Thầy." (TNHT/QI/ trang 41).
Qua các trích-dẫn trên chúng ta thấy tình-yêu của Thượng-Đế thật là vô- biên. Với lòng thương-yêu vô tận, Ngài đã luôn-luôn săn-sóc cho thế-gian được an-lành, cho loài người được tiến-hoá đến ngang hàng với ngôi vị Trời Phật.

BẢN-NGUYÊN CỦA THƯỢNG-ĐẾ
Thượng-Đế là Đấng Chí-Tôn, là Thầy, là Đại Từ-phụ, nhưng bản-thể của Ngài lại quá ư huyền-diệu, vượt ra ngoài tầm tri-thức hữu-hạn của con người, nên con người không có thể dùng lý-trí để nghĩ bàn được, do đó mỗi chúng ta tuỳ theo căn-cơ và duyên-phận mà cảm-nhận được quyền-năng của Ngài dưới nhiều giác-độ khác nhau, và đón nhận ân-huệ và Ngài không hoàn-toàn giống nhau.
Còn bản-nguyên của Đức Chí-Tôn, thì ngay các Đấng Thiêng-Liêng cùng các Bậc Giáo-chủ siêu-phàm cũng không có thể dùng ngôn-ngữ hữu hạn của con người để giải rõ được. Nên Đức Hộ-Pháp đã nói rằng:
"Đức Chí-Tôn là Đấng tự-hữu hằng-hữu mà từ thuở đến giờ, bất kỳ một Đấng Thiêng-Liêng nào cũng không hiểu rõ nguyên-căn của Người đặng.”
"Theo lời Đức Nguyệt-Tâm Chơn-Nhơn nói, thì chính Ngài cũng không hiểu rõ nguyên-căn của Chí-Tôn, chỉ biết cái quyền-năng vô-đối của Người mà thôi.
(Trích thuyết-Đạo của Đức Hộ-Pháp đêm 15 tháng 3 Đinh-Hợi (1947).
Tuy vậy Đức Hộ-Pháp cũng đã đề-cập đến bản-nguyên và quyền-năng của Thượng-Đế như sau:
"Trước khi không có chi trong Càn-Khôn Thế-giới là vô-vi. Thoạt-nhiên, hai lằn không-khí chẳng biết gốc nơi đâu, kêu là "hư-vô chi khí" đụng nhau mới có chơn-linh của Thầy và Ngôi của Thầy là Thái-Cực. Trái lửa Thái-Cực là cơ của hữu-hình, vâng lịnh Thầy mà phân ra Lưỡng-Nghi, Tứ-Tượng và biến Bát-Quái…rồi sanh ra vàn-vàn muôn-muôn địa-cầu cùng khắp Càn-Khôn Thế- Giái…
"Khi chia mình mà lập ra Càn-Khôn Thế-Giái rồi, thì khối lửa Thái-Cực của Thầy tiêu mất trở lại vô-vi…
"Ấy là một cuộc hữu-hình, mà trọn cuộc hữu-hình này dường như vâng mạng-lịnh của một quyền-hành Thầy rất lớn, nhứt nhứt có trật-tự… không xâm-phạm lẫn nhau…"
(Trích diễn văn của Đức Hộ-Pháp đọc tại Tòa-Thánh Tây-ninh ngày 14 tháng 2 năm Mậu-Thìn (1928).
Như vậy Cao-Đài giáo, đã tin rằng bản-nguyên của Thượng-Đế vốn tự hữu, hằng hữu, nghĩa là từ chỗ không mà tự mình có, luôn luôn hiện diện trong không-gian vô-biên và thời gian vô-cùng, từ những tinh-cầu to lớn trong không trung, cho đến những hạt tiềm nguyên-tử li-ti trong cơ-cấu vật-chất, đều có điểm linh-quang của Ngài. Nên xưng tụng Ngài là Đấng Huyền-Khung Cao Thượng-Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn.

Muốn tìm hiểu nguồn-gốc loài người, trước tiên chúng ta cần biết rõ bản- thể và quyền-năng của Thượng-Đế.
Theo thuyết-đạo của Đức Hộ-Pháp thì trước khi muốn biết loài người do đâu mà đến, thì ta nên tìm hiểu trước Tạo-Đoan là Cha cả vạn vật đã ... Đức Ngài đã cho biết về Đức Chí-Tôn như sau:
"... Chúng ta đã nhìn trong kinh-điển hồi trước để lại, thấy cả cơ-quan hữu-vi nhãn-tiền nầy, làm cho ta biết và nhìn Đấng Tạo-Đoan ấy là Đại Từ-Phụ. Chẳng luận giống dân nào và các nhà triết-lý của các tôn-giáo cũng vậy, đều nhìn Đấng Tạo-Đoan Càn-khôn thế-giới sanh-hóa vạn-vật và loài người là Đấng Cha của chúng-sanh... Đấng ấy đớn, biết luân-luân, chuyển-chuyển từ phẩm người đến Thần, Thánh, Tiên, Phật. Đấng ấy nắm cả quyền-năng vô-đối, huyền-vi mầu-nhiệm trong tay, tạo nên càn-khôn thế-giới, định phép công-bình, lành có lành trả, ác có ác trả hiển-nhiên, nên loài người tôn-sùng Đấng ấy là Đức Thượng-Đế, cầm quyền thống-ngự vạn-linh, ấy Hoàng-Đế tối-cao của vũ-trụ này.
"Các tôn-giáo nói có Đức Thượng-Đế là Đấng không nhìn thấy được, vì không hình, không ảnh, nhưng không một việc nào mà Ngài không biết. Trong Đạo-giáo có câu : "Thiên-võng khôi khôi, sơ nhi bất thất". Nghĩa là Trời cao lộng lộng mà mảy hào nào cũng không qua khỏi tay Ngài và lưới thiêng-liêng của Ngài, nên xưng Ngài là Thiên-Tôn, cầm quyền vạn-linh, mực-thước như một Ông quan tòa trị thế.
"Đấng tạo ra vạn-vật càn-khôn vũ-trụ, sanh ra nuôi-nấng, tạo ra bảo-bọc, hằng để trong mỗi thi-hài một tâm-linh, mới được khôn-ngoan hiểu biết rằng: Có người mới có ta, nên ta nhìn Đấng cho ta cái tâm-linh, là Cha của ta. Ngoài Đấng ấy thì không ai nữa làm chúa-tể của vạn-linh đặng, tôn-sùng như thế là thấy Đấng Cha cao-thượng hơn ông cha phàm, vì thế mới xưng tụng Ngài là Đại Từ-Phụ.
"Đại Từ-Phụ là Cha cả vạn-linh, chúng ta là con cái của Ngài, không phải chỉ hưởng phần hữu-hình tại thế mà thôi, Ngài lại dành một phần quý-trọng hơn là nhứt điểm linh-quang, nhờ đó mà từ vật-chất tiến đến thú-cầm, nhơn-loại, mới tiến đến Phật-vị, mà ngang phẩm cùng Ngài, Đức Từ-phụ là Phật, Ngài muốn cho con cái của Ngài cũng thành Phật, đặng đạt quyền-năng bí-mật như Ngài, rồi lập càn-khôn thế-giới khác. Luật thiên-nhiên một ông cha lập nghiệp, thì con theo nghiệp cha mà tạo ta nghiệp khác nữa..." (Trích thuyết đạo của Đức Hộ-Pháp ngày 29 tháng 04 Đinh Hợi 1947 tại Đền Thánh).
Như vậy Thượng-Đế là Đấng rất linh-hiển và đầy quyền phép, nên còn gọi là Đấng Chí-linh. Ngài luôn hiện-hữu trong ta, ngay trong những giờ phút vinh-quang, cũng như đau khổ nhất của cuộc đời. Ngài chăm nom soi-dẫn chúng ta suốt cuộc hành-trình tại thế-gian cũng như bên kia cõi tử, rồi chung quy Ngài sẽ dìu-dắt chúng ta trở về hội-hiệp cùng Ngài.
Trong kinh Ngọc-Hoàng Thượng-Đế đã nói về Đức Chí-Tôn như sau:
"Vũ trụ như là một tấm lưới lớn, các tầng Trời, các tinh-cầu, các Đấng Thiêng Liêng và vạn-linh sanh-chúng, cả hữu sắc và vô sắc đang vận-hành trong không-gian như hằng-hà-sa-số mắc lưới của một tấm lưới bao la, mà cái giềng mối giữ vững tấm lưới ấy là Đấng Thái-Cực Thánh-Hoàng, Ngài cầm cả quyền-năng sinh-hoá, dưỡng-dục quần-linh và thống-ngự vạn-vật." (Đại la Thiên-Đế Thái-Cực Thánh-Hoàng, hoá dục quần sanh, thống-ngự vạn-vật.../Kinh Thiên-Đạo).
"... Ngài vốn như thiệt, như hư, im-lìm không nói năng mà tỏ bày được đức hoá-sanh rộng lớn." (Nhược thiệt, nhược hư, bất-ngôn nhi mặc tuyên đại hoá /Kinh Thiên-Đạo).
"... Vừa là hư-không, vừa có sắc-tướng, không làm bất-cứ một việc gì rõ-ràng mà sai-sử được các Đấng Thiêng-liêng cũng như sanh chúng" (Thị không, thị sắc, vô-vi nhi dịch sử quần linh/ Kinh Thiên-đạo).
Qua các kinh-điển trích-dẫn nêu trên, kết-hợp với sự chiêm-nghiệm trong thực-tại, Cao-Đài giáo tin rằng cái thiên-lực vận-hoá để sinh-thành vũ-trụ, không phải là một sự ngẫu-nhiên, mà từ vô-thỉ, mỗi hiện-tượng đã xảy ra trong thiên-thể đều tuân theo một quy-luật, trật-tự, gọi là trật-tự vũ-trụ; những quy-luật này đã nói lên sự hiện-hữu cái nguồn sống của đất trời, mà từ nguồn sống này đến sự sống con người là mạch sống nối liền. Chúng ta có thể ví-dụ một cách cụ-thể rằng Nguồn sống của Thượng-Đế là ngọn đuốc còn sự sống của chúng-sanh là một tia lửa, cả hai đồng phẩm chứ không đồng lượng.
Ngài luôn ngự trong tâm-linh mỗi người, nên Ông Thiệu-Khương-Tiết một bậc Hiền-triết của Trung-Hoa đã nói rằng:
"Nhơn-tâm sanh nhứt niệm, thiên địa tất giai tri" (Trong lòng con người phát-sinh ra một ý-nghĩ gì thì Trời Đất ắt đều biết / Minh-tâm Bửu giám / Thiên-lý).
Ngày nay Thánh-giáo của Đức Chí-Tôn cũng xác nhận rằng: "Trong lòng Thầy ngự, động Thầy hay". (TNHT/QI/ trang 115).
Đức Chí-Tôn là Thầy, là Đấng Cha lành đã thương xót chúng ta, nên Ngài đã hứa luôn luôn chấp-nhận những lời cầu xin chân-thành của chúng ta:
"Muốn đến với Thầy thì phải cầu-nguyện. Thầy không bao-giờ không cảm-ứng với những lời cầu-nguyện chân-thành... Các Con chỉ cần cầu-nguyện Thầy với danh-hiệu Cao-đài thì sẽ có cảm-ứng chấp-thuận." (TNHT/QI/ trang 124).
Điều nầy chính người xưa cũng đã nhận ra được, nên mới có câu: "Người xin làm điều lành Trời ắt chiều theo". (Nhơn hữu thiện nguyện Thiên tắc tùng chi /Minh-Tâm Bửu-giám)
Ngày nay Đức Hộ-Pháp cũng nói rằng:
"Chúng ta hãy cầu-nguyện để trọn tâm-đức chắc-chắn nơi Chí-Tôn thì Chí-Tôn chẳng hề khi nào hẹp lượng..." (Thuyết đạo của Đức Hộ-Pháp tại Đền Thánh đêm 24 tháng chạp Đinh Hợi/1948).
Cho nên trong cuộc sống nếu chúng ta giữ thân-tâm thanh-tịnh, thì có thể giao-cảm và thông-công với Ngài, cầu-nguyện cũng như cảm-tạ ơn Ngài, bất kỳ ở đâu và giờ phút nào.

THÁNH-THỂ CHÍ-TÔN
Vào thời Thượng-cổ nhân-loại còn sống từng bộ-lạc riêng rẽ, tâm-tính còn thuần-phát thiên-lương, nhưng trình-độ văn-minh thì còn tình-trạng bán khai lạc-hậu. Nên Đức Chí-Tôn tùy từng địa-phương mà giáng-trần mang hình-thể khác nhau. Ở Trung-Đông Đức Chí-Tôn lấy hình-thể Jéhovah, ở Ấn-Độ lấy hình-thể Brahma, ở Trung-hoa lấy hình-thể của Hồng-Quân Lão-Tổ cốt để khai-hóa dân-trí. Chúng-sanh mỗi địa-phương nhìn và vâng-phục Thượng-Đế qua hình-ảnh của người đồng chủng với mình. Ngay khi họ đắc Đạo thoát xác về cõi Thiêng-Liêng Hằng Sống, do quyền phép của Thượng-Đế, khiến họ cũng nhìn thấy Thượng Đế qua hình-ảnh như vậy, như Dân Do-Thái thì thấy Ngài là Jéhovah, người Ấn-Độ thì nhìn Ngài là Bahma, người Tàu nhìn Ngài bằng hình ảnh của Hồng-Quân Lão-Tổ (Theo Lời thuyết đạo của Đức Hộ-Pháp về Con Đường Thiêng-Liêng Hằng sống).
Vào thời trung-cổ con người đã xa rời thánh-đức, chơn-truyền của các Tôn-giáo đã bị làm sai lạc, nên Thượng-Đế đã cho các vì Giáo-chủ giáng-trần mở Đạo, tuỳ theo trình-độ của mỗi mơi mà tuỳ thời để lập giáo, ở Trung-Đông có Đức Jésus Christ, ở Ấn-độ có Đức Thích-Ca, ở Trung-Hoa có Đức Lão-Tử, Khổng-Tử, thời-kỳ này nhân-loại còn sống riêng-rẽ, chỉ biết nội tư-phương của mình mà thôi, nên các vì Giáo-chủ đã tuỳ theo trình-độ dân-trí, và sự sai-lầm phổ-biến trong địa-phương đó mà thuyết giáo. Thời kỳ này gọi là Nhị-kỳ Phổ-độ.
Ngày nay, nhân-loại đã tiếp-cận với nhau, sự liên-lạc trên toàn thế-giới dễ-dàng, xem như sự liên-lạc với nhau trong một làng mạc nhỏ bé, còn vũ-trụ tuy bao-la, nhưng nhân-loại cũng đã biết được nhiều thiên-thể ở ngoài trái đất, hơn nữa trình độ loài người đã tiến hoá cao, nhiều giáo-lý không còn phù-hợp, hoặc đã sai-lạc chân-truyền, và các giáo-điều của nhiều tôn-giáo lại trái ngược lẫn nhau, lại nữa bản-chất của nhân-loại cũng vẫn còn kỳ-thị chủng-tộc, phân-biệt giai-cấp, chia-rẽ tôn-giáo… nên đã gây nên sự đối-nghịch trầm-trọng giữa các tôn-giáo với tôn-giáo, các dân-tộc với các dân-tộc.
Trong Tam-kỳ Phổ-Độ ngày nay, Đức Thượng-Đế không giáng-trần mang hình thể con người nữa, mà Ngài đã đích-thân giáng-linh dùng huyền-diệu cơ-bút để lập Đạo, quy tụ lương-sanh trên khắp thế-giới làm thành Hội-Thánh, cùng chúng-sanh các sắc dân làm Thánh-thể của Ngài để thay mặt Ngài tại thế-gian, Hội-Thánh là đầu não, chúng sanh là tay chân máu thịt, để sự truyền-giáo không bị ngăn ngại, vì bất-kỳ hình-ảnh một con người của một sắc dân nào đó, cũng không thể nào tượng-trưng đầy đủ cho hình-thể của Thượng-Đế, để cho mọi sắc dân tín-ngưỡng vâng-phục, vì Thánh-Thể của Thượng-Đế là toàn cả vũ-trụ và vạn-hữu chúng-sanh.
Có lẽ cũng vì thế mà trong Tam-Kỳ Phổ-Độ ngày nay, Đức Chí-Tôn đã dạy dùng biểu-tượng Thiên-Nhãn (Con Mắt) để tượng trưng cho Ngài. Việc thờ Thiên-Nhãn được coi là huyền-bí, tuy vậy Đức Chí Tôn cũng giải sơ-lược về Thiên-Nhãn như sau:
"… Chưa phải hồi các con biết đặng tại sao vẽ Thánh-Tượng "Con Mắt" mà thờ Thầy, song Thầy nói sơ lược cho hiểu chút đỉnh:
Nhãn thị chủ tâm,
Lưỡng quang Chủ tể,
Quang thị Thần,
Thần thị Thiên.
Thiên giả, Ngã giã.

(TNHT / Q1/ trang 11)

Chúng ta còn thấy rằng, ngoài những ý-nghĩa nêu trên, nó còn mang tính-chất tránh cho nhân-loại sự kỳ-thị chủng tộc, màu da sắc tóc, nếu chọn một con người thuộc một sắc dân nào đó, để tượng-trưng hình-ảnh của Thương-Đế, thì không đủ sức thuyết-phục toàn-thể nhân-loại.
Cũng do đó, nên trong Tam-kỳ Phổ-Độ Đức Chí-Tôn cũng không giao chánh-giáo cho một vị Giáo-chủ hay Tiên-tri tại phàm-trần, mà Ngài giáng linh dùng cơ-bút để khai Đạo, tức là Ngài trực-tiếp giáo-hoá và độ-rỗi toàn thể nhân-loại, không qua trung-gian một người như trước đây.
Khai Đạo kỳ thứ ba này Thượng-Đế không sáng-lập một tôn-giáo mới có một giáo-lý khác lạ, mà mục-đích khai Đạo lần này là qui Tam-giáo, hiệp Ngũ-chi, đem các mối Đạo hữu-hình trở về cội nguồn. Điều nầy Đức Chí-Tôn đã dạy rằng:
"Vốn từ trước Thầy lập ra Ngũ-chi Đại-Đạo là Nhơn-Đạo, Thần-Đạo, Thánh-Đạo, Tiên-Đạo, Phật-Đạo. Tùy theo phong-hóa của nhân-loại mà gầy chánh-giáo, vì khi trước Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn-loại duy có hành-đạo nội tư-phương mình mà thôi.
Còn ngày nay nhơn-loại đã hiệp-đồng, Càn Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhân-loại nghịch lẫn nhau; nên Thầy mới nhứt định quy-nguyên phục-nhứt. Lại nữa trước Thầy giao chánh giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh-giáo mà làm ra phàm giáo. Thầy lấy làm đau đớn, hằng thấy gần trót mười ngàn năm, nhân-loại phải sa vào nơi tội lỗi, mạt-kiếp chốn A-tỳ.
Thầy nhứt-định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh-giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập Chánh-thể, có lớn nhỏ đặng để thế cho các con dìu-dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng-Đảo." (Thánh-ngôn Hiệp tuyển Quyển I trang 16).
Trên đây là khái-nệm về chương-trình độ-rỗi của Thượng-đế dùng để cứu vớt nhân-loại qua các thời-kỳ, từ khi có loài người cho đến nay. Nên đức-tin Cao-Đài giáo tôn-thờ Đức Thượng-đế là phẩm Chí-Tôn, chủ-tể vạn-vật, là Cha chung của muôn loài.

KẾT-LUẬN
Qua các tiết-mục nêu trên nên chúng ta càng nhận thấy sự tín-ngưỡng vào Đấng Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế của Cao-Đài giáo, cũng được biểu-lộ dưới nhiều hình-thức cá-biệt. Đối với bậc hạ-thừa, và những người có kiến-thức bình-thường họ tin-tưởng Thượng-Đế bằng một đức-tin tôn-giáo giản-đơn, tuyệt-đối trông cậy, phó-thác mình nơi Thượng-Đế Chí-Tôn, họ không bao giờ nghi-ngờ quyền-năng vô-đối của Ngài. Còn đối với những bậc Thượng-thừa có kiến-thức thì tin-tưởng Thượng-Đế bằng một đức-tin có hệ-thống triết-lý hướng-dẫn. Cả hai đều nhắm mục-tiêu đưa con người đến với Đạo.
Trong phạm-vi tín-ngưỡng Đức Chí-Tôn đã xác-nhận rằng chúng ta chỉ cần đặt trọn đức-tin đi theo con đường Ngài đã vạch để tiến đến phẩm-vị của mình, siêu- phàm nhập Thánh, không cần phải nhọc-nhằn lần từng bước trong rừng kinh-điển. Nên Chí-Tôn đã dạy rằng:
"Kinh điển giúp đời siêu phàm nhập Thánh, chẳng khác chi đũa ăn cơm, kẻ có cơm bốc tay ăn cũng đặng. Các con coi kinh-điển lại, rồi thử nghĩ lại công-bình thiêng-liêng mà suy-ngẫm cho hay lẽ phải. Thầy khuyên các con theo sau Thầy mà đến phẩm-vị mình thì hay hơn tuôn bờ lướt bụi, đi quanh kiếm quất, nghe à!" (TNHT/Q2/ trang 5).
Lời dạy trên không phải Đức Chí-Tôn cho rằng kinh-điển không quan-trọng, nhưng nó chỉ giống như đũa ăn cơm mà thôi, điều cốt lõi là phải có cơm để ăn, còn ăn bằng cách nào cũng được. Con người trước tiên là phải có Đạo, đặt trọn đức tin nơi Đạo, tức là quyết-tâm đi theo Thầy cho đến cùng, thì cũng như ta đã có sẵn cơm rồi, khỏi cần đũa, có thể ăn bốc cũng no đặng. Nêu lên điều này là Đức Chí-Tôn đã rõ rằng phần đông con cái của Ngài tư-chất đơn-sơ không đủ điều-kiện nghiên-cứu nhiều kinh-điển, nếu nói rằng phải rõ thông kinh-điển thì mới mong siêu-phàm nhập Thánh, thì đại-đa số con cái của Ngài làm sao đạt đặng, nên con cái của Ngài chỉ cần có một đức-tin cao độ, để sống trọn với Đạo, lập- công bồi-đức thì cũng đắc-thành quả-vị. Còn kinh-điển chẳng qua là phương-tiện, nếu người học Đạo rõ thông kinh-điển thì vấn-đề đạt Đạo dễ-dàng hơn một chút thôi, nó không phải là cứu-cánh.
Do đó muốn tìm về với Thượng-Đế chỉ có đức-tin là cần-thiết. Thánh-giáo Đức Chí-Tôn đã dạy rằng:
"Thầy khuyên các con nhớ hoài rằng Thầy của các con là Ông Thầy Trời, nên biết một Ổng mà thôi, thì đủ, nghe à!" (TNHT/QI/ trang 45).
Từ khi Thượng-Đế sáng lập ra thế-gian tạo-dựng ra con người, vì cưu-mang thế-gian, nên thời-kỳ nào Ngài cũng đã đến cùng chúng ta, Nên Thánh-giáo Đức Nguyệt-Tâm Chơn-Nhơn nói về Ngài như sau:
"Làm cha nuôi nấng ân cần,
"Làm Thầy lại nhượng phẩm Thần ngôi Tiên.
(Theo thuyết-đạo về Con đường Thiêng-liêng hằng sống của Đức Hộ-Pháp).  
Ngoài cương-vị là Đấng Thiên-Tôn trị thế, cầm cân công-bình, để có lành siêu dữ đọa. Đức Chí-Tôn còn đến thế-gian với cương-vị là Cha, là Thầy, luôn ân-cần nuôi-nấng và dạy-dỗ chúng ta.