TÌM HIỂU ĐẤNG GIÁO CHỦ CAO ĐÀI
Xưa nay mỗi Tôn giáo ra đời đều có một vị Giáo Chủ của Tôn giáo đó. Như: Đạo Phật có Đức Thích Ca Mâu Ni, Đạo Lão có Đức Lão Tử, Đạo Khổng có Đức Khổng Phu Tử, Đạo Thiên Chúa có Đức Chúa Jésus, Đạo Hồi có Đức MaHoMet v.v… Mỗi vị Giáo chủ được các sách sử ghi chép rất rõ ràng cụ thể từng chi tiết, nào cách ăn lối ở, xứ sở tông môn, da thịt hình dáng, tập quán ngôn ngữ. Nói chung cả cuộc đời sinh ra và lớn lên, cách tu học, thành Đạo và truyền Đạo của vị Giáo chủ đó. Người ta kể còn nhiều, còn hay và còn hấp dẫn, cho nên các vị Giáo chủ kể trên nói ra ai cũng biết. Riêng về Tôn Giáo Cao Đài ra đời cho đến nay đã gần một thế kỷ mà vị Giáo Chủ Cao Đài rất ít ai biết đến. Thậm chí có rất nhiều người là tín đồ của Đạo Cao Đài cũng không hiểu biết được vị Giáo chủ của mình như thế nào. Bởi vì sao vậy? Bởi vì Đấng Giáo Chủ Đạo Cao Đài không giống như các vị Giáo chủ của các Tôn giáo khác. Ngài là một Đấng không phải bằng thịt bằng da, hay sống giữa đời thường như chúng ta. Như vậy Đấng Giáo Chủ của Đạo Cao Đài như thế nào? Ngài có quê hương xứ sở như các vị Giáo Chủ khác hay không? Lịch sử của Ngài ra sao mà ít ai hiểu biết về Ngài? Để hiểu rõ thêm về Đức Giáo Chủ của Đạo Cao Đài chúng ta cùng tìm hiểu qua từng bước sau:
I/TÔN DANH VÀ TÔN HIỆU CỦA ĐỨC GIÁO CHỦ:
Đấng Giáo Chủ của Đạo Cao Đài là Đức Thượng Đế Chí Tôn. Ngài là Đấng Chúa tể Càn Khôn, chủ quyền vũ trụ, sinh hoá và dưỡng nuôi vạn vật muôn loài. Ngài có rất nhiều tôn hiệu, nhiều danh xưng ở mỗi nơi mỗi khác. Như Đạo Phật tôn Ngài là Đức Như Lai, Đạo Thiên Chúa Tôn Ngài là Đức Chúa Trời, Đạo Khổng tôn Ngài là Thiên Đế, Đạo Hồi tôn Ngài là Thánh ALLah, người Do Thái tôn Ngài là Đức Jehovah, người Trung Hoa tôn Ngài là Thượng Đế, người Việt Nam tôn Ngài là Ông Trời, ngày nay Ngài lập Đạo Cao Đài Ngài xưng là: Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, gọi tắc là Đức Cao Đài và xưng hô với tất cả môn đệ của Ngài là Thầy. Ngài hóa thân muôn vạn kiếp để cứu độ chúng sinh nên danh xưng và tôn hiệu của Ngài có vô số kể. Điều mà chúng ta cần phải thấu rõ là tôn danh tôn hiệu của Ngài tuy ở mỗi nơi mỗi khác, nhưng không có một tôn danh nào là thật của Ngài, vì Ngài vốn là Đấng không tên, tất cả những tôn danh tôn hiệu đều là tá danh cả, điều này Đức Lão Tử có dạy trong Đạo Đức kinh: “Đạo khả Đạo phi thường Đạo, danh khả danh phi thường danh”. Cái Đạo mà nói ra được thì không phải là Đạo chơn thật, cái tên mà đặt ra đó thì cũng chưa phải là tên thật, và chúng ta cũng không thể tôn Ngài với một cái tên gì gọi là tuyệt đối được cả, vì Ngài là một Đấng vô vi, vô tận, vô cùng, tôn danh tôn hiệu của Ngài không có lời diễn tả. Trong Thánh Ngôn Cao Đài buổi đầu khai Đạo Ngài đến xưng với các vị môn đồ đầu tiên như vầy:
“Chính ngôi Thái Cực vốn là Ta,
Mượn tiếng Cao Đài xuống thứ ba;
Thích, Đạo, Da Tô tay chưởng quản,
Thương dân xuống thế độ lần Ba”.
Hay là có lần Ngài cho biết về tôn danh tôn hiệu của Ngài như sau:
“Xuống lên lên xuống luân hồi,
Đến tên Ngọc Đế mấy hồi đổi thay.
Khi xưng Giáo Chủ Cao Đài,
Khi xưng Thiên Chúa, xưa khai Di Đà.
Lắm hồi Bồ Tát Ma Ha,
Bao lần Khổng Mạnh cũng Già này đây.”
(Trích Thiên Lý Đàn, 30 – 12 Giáp Thìn. 01 – 02 – 1965)
Vậy nhờ Thánh Ngôn Thánh Giáo trong Tam Kỳ Phổ Độ mà chúng ta mới dám khẳng định Ngài là Phật, là Tiên, là Thánh, là Chúa Trời, là tất cả.
II/ XỨ SỞ TÔNG MÔN:Đức Thượng Đế Chí Tôn Đấng Giáo Chủ Đạo Cao Đài vốn không phải là người bình thường được sinh ra như chúng ta trên trái đất này mà có quê hương xứ sở. Ngài đã là Đấng không có hình tướng, không có quê hương xứ sở, không có nơi sinh ra, và cũng không có ai sinh ra Ngài. Vì Ngài là ngôi Thái cực nhất nguyên của vũ trụ, khi chưa có Trời đất đã có Ngài. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển của Cao Đài vào buổi đầu khai Đạo Ngài dạy: “Khí hư vô sinh có một Thầy.” “Nếu không Thầy thì không có chi trong Càn Khôn thế giới nầy, mà nếu không có Hư Vô chi khí thì không có Thầy”. Hư vô chi khí là gì? Đó là Đạo, là vô cực, là bản thể của vũ trụ. Vậy Đức Giáo Chủ Đạo Cao Đài vốn không sinh mà cũng không diệt, vì Ngài sinh ngay trong lúc diệt và Ngài diệt ngay trong lúc sinh cho nên Ngài trường tồn mãi mãi bất sanh bất diệt trong Trời Đất. Quê hương của Ngài ở khắp chín phương Trời, mười phương Đất, không có một nơi nào không phải là quê hương của Ngài, vì chỗ nào cũng có Thượng Đế cả. Ngài Quảng Đức Chơn Tiên dạy:
“Ngoài Trời Thượng Đế bao la,
Trong lòng vạn tượng cũng là Chí Tôn.”
(Trích Thánh Truyền Trung Hưng tập 4 trang 314)
Câu Thánh Giáo trên cho chúng ta thấy Đức Thượng Đế được sinh ra và hằng ngự ở bất cứ mọi nơi trên Trời cao, trong lòng đất, ở trong con người, trong muôn loài vạn vật và cùng khắp trong vũ trụ Càn Khôn. Cha mẹ của Ngài là Đạo, hay Ngài cũng chính là Đạo vậy. Đức Di Lạc Thiên Tôn dạy:
“Đạo trước có từ ngôi vô cực,
Khối hồng mông không dứt chuyển xây;
Hóa ngôi Thái Cực là Thầy,
Huyền Khung Thượng Đế sắp bày thế gian.”
(Trích Trúc Lâm Thiền Điện, Ngọ thời ngày 20 tháng 8 năm Ất Tỵ. 15 – 9 – 1965)
Ngài sắp bày thế gian, an bài định vị vạn sự, vạn vật trong Trời Đất đều có thứ tự lớn nhỏ theo một qui luật nhất định. Ngài phân ra thượng hạ ngôi thứ hẳn hòi. Nhưng rồi Ngài cũng có một ngôi vị, một Tòa ngự ngự trị của Ngài. Vậy thì Toà Ngự của Đức Thượng Đế Chí Tôn ở đâu? Nơi nào trong vũ trụ? Điều này trong bài kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế Bửu Cáo, Đức Trần Đoàn Lão Tổ giáng cơ tại Cần Thơ năm 1940 diễn nôm như sau:
“Ngài ngự chốn chơi vơi Kim Khuyết,
Bạch Ngọc Kinh rộng tuyệt mù khơi;
Nguy nga chói lọi cung Trời,
Như vàng như ngọc, chiếu ngời muôn Thu.
Dường như có, có từ muôn thuở,
Dường như không, không ở mắt phàm;
Tuy không thấy nói hoặc làm,
Mà sanh, hoá, dục bao hàm vạn linh”.
Hay ngày đầu khai Đạo trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Đức Thượng Đế Chí Tôn giáng dạy cho biết về Bạch Ngọc Kinh nơi toà ngự của Ngài như sau:
“Một tòa Thiên Các ngọc làu làu,
Liền bắt cầu qua nhấp nhóa sao;
Vạn tượng then gài ngăn Bắc Đẩu,
Muôn trùng nhiếp khảm hiệp Nam Tào.
Chư Thần chóa mắt màu thường đổi,
Liệt Thánh kinh tâm phép vẫn cao;
Dời đổi chớp giăng, đoanh đỡ nổi;
Vững bền muôn kiếp chẳng hề xao”.
Như vậy Ngài ngự chính thức là ở nơi trung tâm của vũ trụ, Bạch Ngọc Kinh là tòa ngự của Ngài, là kinh đô cõi Trời, nơi ấy nguy nga lộng lẫy vô cùng, vĩ đại khủng khiếp, thật là cao đẹp tuyệt vời. Bạch Ngọc Kinh cũng còn gọi là Cao Đài, là Linh Tiêu Điện, nơi đại hội quần Tiên, nơi vạn trượng hào quang sáng chói phóng xuất ra khắp vũ trụ, cũng là nơi ra đi của tất cả linh căn xuống cõi hồng trần.
III/ CÔNG ĐỨC CỦA ĐẤNG GIÁO CHỦ:
Công của Đức Giáo Chủ Đạo Cao Đài không giống như là công đức của các vị Giáo Chủ ở Tôn giáo khác. Công Đức của Đấng Giáo Chủ Đạo Cao Đài gồm có ba phần:
1/Đức Tạo Hoá.
2/ Đức dưỡng nuôi.
3/ Đức giáo hóa.
Để tìm hiểu công đức của Ngài chúng ta lần lượt tìm hiểu qua từng mục nhỏ sau đây:
1/ Đức Tạo Hóa:
Đấng Thượng Đế Chí Tôn xưa nay được các bậc thức giả cổ kim tôn Ngài là Đấng Tạo Hoá, vì Ngài đã tạo dựng nên Càn Khôn vũ trụ và hoá sinh vạn vật muôn loài. Chúng ta đang sống trong một vũ trụ bao la vô cùng rộng lớn, ban ngày chúng ta nhìn thấy ánh mặt Trời, ban đêm nhìn thấy ánh trăng và muôn vàn vì sao lấp lánh. Trước mặt chúng ta nào là sông dài biển cả, nào sơn hà đại địa, cẩm tú giang sang uy nguy sừng sửng. Các phẩm vị Phật, Tiên, Thánh, Thần, con người chúng ta và muôn loài vạn vật, cò bay máy cựa tất cả có nguồn gốc từ Đức Thượng Đế tạo sinh. Trong bài kinh xưng tụng công Đức của Đức Thượng Đế, Ngài Trần Đoàn Lão Tổ giáng cơ tại Cần Thơ năm 1940 có đoạn:
“Lập vũ trụ, Ngài phân thượng hạ,
Tùy trược thanh, siêu đoạ định ngôi;
Trên thì ba sáu (36) cung Trời,
Ba ngàn thế giới cõi đời Phật Tiên.
Khí trọng trược hậu thiên hữu chất,
Lập bảy hai (72) quả đất địa cầu;
Chia làm bốn Đại Bộ Châu,
Hoá sanh trưởng dưỡng trong bầu Càn Khôn.”
Hay là trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Đức Thượng Đế Chí Tôn có dạy:
“Khai Thiên Địa vốn Thầy, sanh Tiên, Phật cũng Thầy; Thầy đã nói một chơn thần mà biến Càn Khôn thế giới và cả nhân loại.
Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy.
Các con là chư Phật, chư Phật là các con.
Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Thầy khai bát quái mà tác thành Càn Khôn thế giới nên mới gọi là pháp; Pháp mới sanh ra Càn Khôn vạn vật rồi mới có người, nên gọi là tăng.
Thầy là Phật chủ cả pháp và tăng, lập thành các Đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy”.
Vậy vũ trụ Càn Khôn là do bởi một tay của Đức Thượng Đế tạo nên. Con người của chúng ta có nguồn gốc từ Thượng Đế, mọi sự kiện trong cuộc sống của chúng ta đều do Ngài đã sắp đặt an bài. Tất cả chúng ta là con cái của Ngài. Ngài là cha cả, nhơn loại, vạn vật là con chung, đây là lẽ thật trong cuộc sống của chúng ta.
Khi ngắm nhìn vũ trụ bao la cao rộng và cuộc sống của muôn loài đang diễn biến hiển bày, chúng ta phải xác nhận rằng công lao tạo dựng của Ngài là một kỳ công vô cùng tận. Ơn Tạo vật của Ngài xưa nay không có bút mực nào mô tả hết. Thật là chỉ có Đức Chí Tôn mới làm đặng, cả Trời đất không có Đấng thứ hai.
2/ Đức dưỡng nuôi:
Người xưa nói: “Trời có đức hiếu sinh”. Thật vậy: Sau khi tạo dựng Càn Khôn vũ trụ, sinh hóa con người và muôn loài vạn vật, Đức Thượng Đế Chí Tôn bắt đầu ban cho cõi thế gian này một nguồn sống bao la bất tận. Nào ánh sáng, không khí trong lành, thức ăn, nước uống và đủ đầy tất cả các phương tiện để sống và tiến hóa, giúp cho con người không thiếu một vật gì, để cho con người mượn đó mà sống tạm nơi cõi thế gian để tu, để học. Ngài rất đại từ, đại bi thương yêu đùm bọc che chở, đỡ nâng khắp tất cả muôn loài. Trong bài xưng tụng Ngọc Hoàng Thượng Đế Bửu Cáo, Ngài Trần Đoàn Lão Tổ giáng cơ tại Cần Thơ năm 1940 diễn nôm có đoạn:.
“Ngài là Đấng bao trùm tất cả,
Ngài chở che thượng hạ ta bà;
Cho nên mới gọi Đại La;
Hoá sanh muôn vật bảo hoà vạn dân.
Vừa trùm chứa đỡ nâng trên dưới,
Giống như là tấm lưới bao giăng;
Ngài là một Đấng Tạo Đoan,
Ẩn trong muôn vật hàm tàng dưỡng nuôi.”
Tình thương yêu của Đức Thượng Đế Chí Tôn đối với con người, muôn loài vạn vật thật là sâu rộng và bình đẳng, Ngài không thiên lệch bất cứ một ai, Tiên Thiên cũng như Hậu Thiên, người hiền cũng như kẻ ác tất cả đều sống trong tình thương yêu vô lượng của Ngài. Tình thương ấy như mẹ hiền thương con đỏ, suốt 24 giờ trên 24 giờ lúc nào Ngài cũng chăm chút con thơ. Cho nên tại Cần Thơ năm 1940 Ngài Trần Đoàn Lão Tổ giáng cơ diễn nôm bài Xưng Tụng Ngọc Hoàng Thượng Đế Bửu Cáo có câu:
“Dầu là cõi Tiên Thiên thượng đẳng,
Dầu Hậu Thiên cũng đặng tày bồi;
Đại Từ hóa dục không nguôi,
Bởi lòng Từ Phụ dưỡng nuôi muôn loài”.
Thật là rất quí thay, cao trọng thay, công ơn dưỡng dục của Đức Thượng Đế Chí Tôn trong Trời đất mênh mông vô số kể. Ngài là Cha Mẹ thiêng liêng, là nguồn sống của Càn Khôn vũ trụ từ thuở khai Thiên lập Địa đến giờ. Đối với một phàm nhân như chúng ta không có lời nào để tỏ bày hết ý.
3/ Đức giáo hoá:
Kể từ lúc Khai Thiên lập Địa đến giờ. Đức Thượng Đế Chí Tôn lúc nào cũng từ bi, hiếu sanh ố sát, yêu thương nhân loại và muôn loài vạn vật vô cùng. Vì thương yêu con cái của Ngài, nên lúc nào Ngài cũng đến trần gian cứu độ chúng sanh, chan rưới ân lành phát ban nguồn sống. Nói Ngài đến trần gian để cứu độ chúng sanh, như vậy Ngài đến trần gian bằng cách nào? Thật ra Ngài có rất nhiều cách đến trần gian với con người chúng ta mà không ai đủ sức hiểu thấu hết được. Ở đây xin được nói qua vài cách đến trần gian thị hiện cứu độ của Ngài.
Sau khi vũ trụ an bài Càn Khôn định vị, xã hội loài người sau đời Thánh Đức cũng bắt đầu tranh phân hơn thiệt, so sánh thấp cao. Họ bắt đầu tranh đấu với nhau vì ăn, vì mặc, vì chỗ ở, vì lợi danh, làm cho phàm tánh nổi lên mà xa rời tình yêu thương đồng loại, gây nên những cảnh tương sát tương tàn. Lúc nầy Đức Thượng Đế Chí Tôn nhìn thấy tâm tánh đám con thơ của mình đã xa rời lẽ thật tình thương, thiếu đạo đức, mất công bình, bản chất con người không còn nguyên vẹn. Nên Ngài mới phân thân làm các vị Thánh Nhân Bồ Tát giáng hạ trần gian mà khai giáo độ sanh. Lần đầu tiên trong thời Thượng Cổ Ngài hạ trần làm các vị Giáo Chủ mở ra các mối Đạo như sau:
Ngài Phục Huy giáng sanh tại Trung Hoa lập ra nền Thánh Đạo.
Ngài Thái Thượng Đạo Tổ giáng sanh tại Trung Hoa lập ra nền Tiên Đạo.
Ngài Nhiên Đăng Cổ Phật, hay A Di Đà Phật giáng sanh tại Ấn Độ lập ra nền Phật Đạo.
Ngài Môi Se giáng sanh tại Do Thái lập ra Thiên Chúa Giáo.
Ngài cũng hóa thân làm nhiều vị Thánh, Tiên, Phật để dạy cho con người trong mọi quốc gia, chủng tộc về cách ăn, cách nói, cách sống, cách làm. Ngài lập lại kỷ cương, đưa con người hướng về chơn Đạo, xa lìa những dục tánh phàm tâm, sa mê truỵ lạc. Đưa con người trở lại cảnh thanh bình thạnh trị Thánh Đức an vui. Đây là thời kỳ giáo hoá đầu tiên được gọi là Nhất Kỳ Phổ Độ.
Nhưng rồi cõi phàm trần vẫn là nơi dẫy đầy ô trược, cạm bẫy của thế gian luôn câu nhử rập rình. Sau đời Thánh Đức, nhân tâm con người cũng bắt đầu phàm hoá bởi thế gian, xã hội loài người cũng trở nên hỗn loạn, đưa nhân loài vào nơi thống khổ đau thương. Một lần nữa Đức Thượng Đế Chí Tôn nhìn thấy đám con trần phải lạc lầm chánh Đạo, rơi vào nơi ngoại giáo bàn môn, nên Ngài phải phân thân giáng trần cứu thế. Lần nầy Ngài đến chấn hưng Đạo pháp với những danh vị Giáo Chủ như sau:
Đức Thích Ca Mâu Ni Phật tại Ấn Độ chấn hưng Phật Giáo.
Đức Lão Tử tại Trung Hoa chấn hưng Lão Giáo.
Đức Khổng Tử tại Trung Hoa chấn hưng Thánh Giáo.
Đức Chúa Juesu tại Do Thái chấn hưng Thiên Chúa Giáo.
Lúc này Ngài còn ứng thân làm biết bao vị Phật, Tiên, Thánh để cứu đời nhằm mở ra một thời kỳ mới với nhiều giáo pháp, chơn pháp cao siêu huyền diệu thêm hơn mong cứu vớt chúng sanh, lập đời thái bình thạnh trị. Trong thời kỳ này Ngài đã đưa nhân loại lên một nấc thang tiến hoá cao vọi, làm cho lương tri, lương năng của con người được khai mở, con người bắt đầu trở về với đời sống thật ngay trong bản chất thanh cao cố hữu của mình. Lúc này xã hội loài người cũng bắt đầu lần lần ổn định, trình độ của con người cũng được tiến hoá cao hơn, Đạo sống của con người cũng được khai đường mở lối. Đây cũng là thời kỳ mà con người được sống yên bình cùng hoà vui trong tình yêu thương vô bờ của Thượng Đế, và cũng có thể nói rằng: đây là lần thứ hai Thượng Đế đến cứu độ thế gian lập nên Nhị Kỳ Phổ Độ.
Sau hai lần Thượng Đế hóa thân vì thương yêu đến cứu độ thế gian cho đến nay đã hơn hai ngàn năm trôi qua âm thầm lặng lẽ. Các pháp môn ngày xưa nay đã rơi vào thời mạt tận phai mờ, chơn truyền bị xiêu lạc, chánh pháp cũng không còn, thánh giáo hóa ra phàm giáo. Lúc này chúng sanh đa bệnh, cõi hồng trần lắm cảnh đau thương, trược khí ngút trời, nghiệt oan chồng chất, nhân loại đang sắp đến ngày tận diệt điêu tàn. Trước tình cảnh nầy Đức Thượng Đế Chí Tôn không nỡ ngồi yên nơi Bạch Ngọc mà nhìn đám con của Ngài phải chịu vùi chôn cả xác lẩn hồn trong bể nghiệp trầm luân. Nên Ngài mới đích thân giáng thế độ trần. Trong Đại Thừa Chơn Giáo lời Ngài dạy:
“Muôn kiếp các con chịu lạc đường,
Thấy vầy Thầy luống động lòng thương;
Nên đoan thệ với hàng Tiên Phật,
Lập Đạo không thành chịu tội ương.”
Khi giáng lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Đức Thượng Đế Chí Tôn vì thương yêu tất cả chúng ta mà Ngài phải lập tờ đoan thệ với Toà Tam Giáo, trong Đại Thừa Chơn Giáo Ngài dạy như vầy:
“Nên hội Tam Giáo công đồng, Thầy lập tờ đoan thệ, đem Đạo mầu phổ hoá, độ tất cả đám quần sanh.
Nếu các con chẳng chịu tu hành, không bỏ dữ làm lành, Đạo không thành, Thầy nguyện không trở về ngôi vị cũ.”
Lời đoan thệ của Ngài làm chấn động cả Trời đất, chư Phật, Tiên, Thánh, Thần phải hết lòng lo sợ và đồng hộ giá Ngài để xuống trần cứu độ chúng sanh.
Nhìn trở lại quá trình khai giáo độ sinh của Ngài thời tiền sử đến giờ chúng ta thấy rằng: Khi làm Phật Ấn Độ Ngài bỏ cung vàng điện ngọc ra đi. Khi làm Chúa Do Thái Ngài lấy thân mình dâng lên cây thập tự. Khi làm Khổng Tử Ngài phải từ quan chu du lục quốc. Ngày nay mở Đạo Cao Đài lại phế cả Bạch Ngọc Kinh “Ngọc Kinh Thầy phế đến trần gian”. Bạch Ngọc Kinh là Tòa ngự của Ngài, khắp trong vũ trụ không có gì sánh bằng, thế mà Ngài lại còn phế bỏ để đem Đạo mầu giáo hoá nhằm cứu vớt chúng sanh ra khỏi sông mê bể khổ trở về nơi thanh phước Niết Bàn. Qua những dẫn luận trên đã cho chúng ta thấy tình thương yêu sanh chúng và công đức giáo hóa của Ngài thật là cao rộng mênh mông, không lời lẽ nào diễn tả hết cái công trình vĩ đại, cái đức ân vô lượng vô biên của Đấng Giáo Chủ Cao Đài.
Hôm nay đứng trước một vũ trụ bao la không bờ bến, và lược qua công đức của Ngài, chúng ta không thể nào nói rằng: vũ trụ nầy là không có Đức Thượng Đế Chí Tôn tạo nên. Mặc dù chúng ta không thấy được Ngài, nhưng chúng ta cảm nhận được Ngài đang hiện hữu khắp cả Càn Khôn.
Trong cuộc sống xã hội hiện tại cũng có những con người là các nhà khoa học, bác học, Đạo học hoặc những người bình thường không tin có Thượng Đế. Họ cho rằng vũ trụ là do nhân duyên giả hợp, trái đất của chúng ta đang sinh sống và vạn vật là do các nguyên tử bụi tạo thành, họ không tin rằng có linh hồn, trong vũ trụ không có Thượng Đế nào cả. Đây là một điều mà người tu hành chúng ta cũng nên bình tĩnh xét suy. Dù nói thế nào đi nữa thì chúng ta cũng nhận ra được lẽ thật ở cõi đời này như thế nào. Khi vô một ngôi nhà mà chủ đi vắng thì chúng ta không thể cho rằng ngôi nhà đó không có chủ. Khi ăn một cái bánh thì chúng ta cũng không thể nói rằng chiếc bánh đó không có thợ làm ra. Khi chúng ta nhìn giang sơn cẩm tú, ngó bầu Trời bao la vô cùng vô tận, nào những tinh cầu, nhựt, nguyệt chiếu soi như vậy cũng không thể không có một Đấng tạo ra. Đối với chúng ta là một con người sống trong cõi thế, sức hiểu biết chúng ta có hạn thì không thể nào biết được cái vô hạn của Trời Đất được. Một hạt bụi không thể nhảy múa cả Càn Khôn vũ trụ, một giọt nước không thể chứa đựng cả đại dương, thì cái biết của con người trong khoảnh khắc mấy mươi năm cũng không thể làm sao biết hết vũ trụ mà cho rằng vũ trụ không có một Đấng Tạo Hoá nào. Dù cho các nhà khoa học, bác học có đi tới cung trăng, bay vào sao Hỏa thì cũng mới vài hành tinh trong vũ trụ thôi, chớ vũ trụ thì vô số tinh cầu, các người ấy cũng là con người hữu hạn thì làm sao tri hiểu hết cái vô hạn của Càn Khôn?
IV/ QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC GIÁO CHỦ:
Đức Thượng Đế Chí Tôn có một quyền năng tối thượng. Quyền năng của Ngài có hai quyền:
- Quyền chưởng quản Càn Khôn vũ trụ.
- Quyền Giáo Chủ Đạo Cao Đài.
1/ Quyền chưởng quản Càn Khôn vũ trụ:
Vũ trụ từ buổi ban sơ đã do một tay Đức Thượng Đế Chí Tôn tạo dựng lập thành, nên Ngài là ông Chủ của vũ trụ, là Chúa cả Trời Đất. Trong Bài kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế Bửu Cáo có đoạn:
“Thượng chưởng tam thập lục thiên,
Tam thiên thế giới,
Hạ ốc thất thập nhị địa,
Tứ đại bộ châu,
Tiên Thiên, hậu Thiên,
Tịnh dục Đại Từ Phụ,
Cổ ngưỡng kim ngưỡng,
Phổ tế tổng pháp tong,
Nãi nhật nguyệt tinh thần chi quân,
Vi Thánh Thần Tiên Phật chi chủ”.
Đoạn kinh trên cho chúng ta thấy rằng: Trên thì Ngài chưởng quản cả ba mươi sáu cung Trời, và ba ngàn thế giới. Dưới là bảy mươi hai quả địa cầu, với bốn Bộ Châu lớn đó là Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Bắc Cu Lư Châu. Trước Trời, sau Trời đều do một mình Ngài chưởng quản. Ngài là vua của nhật nguyệt tinh tú, là chúa của Phật Tiên Thánh Thần. Ngài nắm luật Thiên Điều mà điều hành cả vũ trụ Càn Khôn, từ vật cực lớn như các tinh cầu nhựt nguyệt cho đến vật cực nhỏ như con kiến bò từng đàn, con ong bay theo tổ. Hay là phong vũ điều hòa, tư mùa tám tiết, vạn vật sanh sôi nẩy nở tất cả đều nằm định luật luân chuyển của Ngài. Trong đời sống con người tất cả muôn sự, muôn việc nên hư, thành bại đều nằm trong sự sắp đặt vận chuyển của Thượng Đế. Thánh Giáo Đức Trần Hưng Đạo Có câu:
“Xét muôn việc có tay Thượng Đế
Nằm bên trong cái kế con người
Bên trong tất cả sự đời,
Ý người tính có ý Trời kèm theo”.
(Trích Thánh Truyền Trung Hưng Tập 4 trang 298)
Thật vậy khắp cả vũ trụ nầy không có một vật gì, hay một sự việc gì mà không có quyền năng của Đức Thượng Đế Chí Tôn chưởng quản. Cho nên chúng ta phải công nhận rằng: khắp trong vũ trụ nầy quyền năng của Thượng Đế thật là tối thượng.
2/ Quyền Giáo Chủ Đạo Cao Đài:
Quyền Giáo Chủ Đạo Cao Đài cũng không khác chi với quyền chưởng quản Càn Khôn vũ trụ, vì bản thể của Cao Đài là bản thể của vũ trụ. Đạo Cao Đài là do Đức Thượng Đế Chí Tôn sáng lập. Ngài có toàn quyền chủ phần lập pháp để độ rỗi và siêu rỗi cho tất cả chúng sanh. Ngài chưởng quản cả phần hữu hình và phần vô hình.
Về vô hình: Trên có Ngài chủ phần Lập Pháp, dưới có Tòa Tam Giáo chủ phần Bảo Pháp, Tam Trấn cùng chư Phật Tiên Thánh Thần chủ phần Hành Pháp.
Về hữu hình: Trên có Đức Giáo Tông thay mặt Ngài chủ phần Lập Pháp, nhưng Đức Giáo Tông chỉ có quyền về phần xác chớ không có quyền về phần hồn, dưới có ba vị Chưởng Pháp là chức sắc Hiệp Thiên Đài ở Cửu Trùng Đài chủ phần Bảo Pháp, ba vị Đầu Sư thay mặt Hội Thánh chủ phần Hành Pháp.
Lập Đạo Cao Đài Ngài lập ra ba Đài gồm: Bát Quái Đài, Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài. Ngài ngự tại Bát Quái Đài chưởng quản và điều hành cả Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài. Ngài có quyền cầm cán cân công bằng luật pháp thưởng hay phạt với tất cả môn đồ của Ngài theo luật pháp Thiên điều đã định.
Đức Thượng Đế Chí Tôn lập Đạo Cao Đài lần nầy Ngài không phân thân giáng trần như các lần trước, Ngài không làm một Giáo Chủ hữu hình mà Ngài dùng huyền diệu cơ bút Tiên Gia để dạy Đạo. Cho nên ngoài quyền Lập Pháp, Ngài còn có thêm một quyền nữa là quyền về cơ bút. Cơ bút là phương tiện giáo Đạo của Đức Giáo Chủ. Ngài có quyền giáng cơ hoặc ngưng cơ, hay cho phép các Đấng Thiêng liêng và chư Phật Tiên Thánh Thần giáng cơ dạy Đạo ở bất cứ nơi đâu. Ngài tùy theo hoàn cảnh, trình độ tiến hoá của mỗi nơi, mỗi người mà Ngài hóa độ. Dù cho một vị Phật Tiên Thánh nào muốn giáng cơ dạy Đạo cho ai thì cũng phải qua sự chấp thuận của Ngài.
Như vậy Đức Thượng Đế Chí Tôn Giáo Chủ Đạo Cao Đài Ngài có quyền chưởng quản điều hành Càn Khôn thế giới, lại có quyền thưởng phạt, độ rỗi và siêu rỗi tất cả vạn loại chúng sanh trong nền Đại Đạo..
V/ BIỂU TƯỢNG THỜ KÍNH VÀ LỄ VÍA:
1/ Biểu tượng thờ kính:
Xưa nay các dân tộc trên thế giới cũng đều thờ kính tôn vinh Đức Thượng Đế. Họ cho rằng Ngài là vị vua Trời cho nên họ tạo ra hình dáng một ông vua ngồi trên ngai vàng phương phi lẫm liệt, có nơi thờ Ngài trong nhà, lại cũng có nơi thờ Ngài ở ngoài sân. Đây là nói theo phong tục tập quán trong nền tín ngưỡng dân gian ở mỗi nơi mỗi khác. Còn các Tôn Giáo hiện hữu trên thế giới xưa nay chỉ tôn kính Ngài qua nhiều tôn danh tôn hiệu khác nhau chứ chưa có thờ kính Ngài bằng biểu tượng, vì Ngài là Đấng không hình, không tướng cho nên không có một hình tượng nào để thờ Ngài cả. Ngày nay Ngài lập Đạo Cao Đài lại dạy hàng môn đệ thờ Ngài bằng Thiên Nhãn (mắt Trời), ngày đầu tiên lập Đạo Ngài dạy:
“Nhãn thị chủ tâm
Lưỡng quang chủ tể
Quang thị thần
Thần thị thiên
Thiên giả Ngã dã.”
Nghĩa là:
“Mắt là chủ tâm
Hai lằn sáng trong con mắt là chủ tể.
Yến sáng ấy là chơn Thần
Chơn Thần ấy làTrời
Trời là Ta vậy.”
Như vậy thờ Thiên Nhãn là thờ Ngài. Người xưa thường có câu: “Hoàng Thiên Hữu Nhãn” nghĩa là: Trời cao có mắt. Ở một lần khác Ngài dạy với một cách thông thường dễ hiểu hơn:
“Con nên hiểu Trời cao có mắt,
Mảy hồng trần nhỏ nhặt đâu qua;
Tội đền phước hưởng đó là,
Công bình Tạo Hoá mình Cha cầm quyền.”
(Trích Đại Thừa Chơn Giáo)
Hay là:
“Đời thường nói Trời cao có mắt,
Sách thường biên thái nhất vô hình;
Mênh mông đồ sộ rộng thinh,
Mà soi xét đủ tình hình thế gian.”
(Trích Tu Chơn Thiệp Quyết)
Đức Giáo Chủ Cao Đài dạy môn đồ thờ Ngài bằng biểu tượng Thiên Nhãn, điều chúng ta cần nhận rõ không phải là hình ảnh của Ngài là Thiên Nhãn, mà đó là biểu tượng sự sáng suốt, soi dẫn, thấy biết tất cả của Đấng Giáo Chủ Cao Đài. Đó là chơn thần mà Ngài đem đến ban bố cho tất cả chúng sanh để tu chứng đắc Đạo. Đó là chánh pháp Nhãn Tạng mà Ngài trao lại cho chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp. Vậy Thiên Nhãn là biểu tượng thờ kính Đức Thượng Đế Chí Tôn Giáo Chủ Đạo Cao Đài nhằm mục đích giúp cho tất cả chúng sanh giác ngộ tìm về nẻo sáng, nương theo chơn pháp mà ngộ ra tự tánh của mình, trực nhận được chân lý tối cao ngay trong cuộc sống hiện tiền.
2/ Lễ vía:
Lễ vía Đấng Giáo Chủ Cao Đài hay còn gọi là lễ tế Trời, việc này đã có từ ngàn xưa, các dân tộc khắp nơi trên thế giới đều có lòng tín ngưỡng tôn kính thờ tự và cúng tế Ngài. Ở Việt Nam từ thời tiền sử, người Việt Nam đã tin có Trời, việc chi trong cuộc sống họ cũng cầu Trời, những câu Trời ơi, Trời hỡi, Trời đã quen thuộc với con người Việt Nam từ thời xa xưa cho đến giờ. Hoặc là câu ca dao:
“Đêm đêm thắp nén đèn Trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”
Hay là câu:
“Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp”.
Điều này chứng tỏ người Việt Nam có một tín tâm thờ kính tế Trời từ buổi bình minh của đất nước. Đến đời nhà Lý, nhà Trần thì chỉ có nhà vua mới được tế Trời, vì vua là Đấng Thiên Tử thay Trời trị dân, còn người dân thì chỉ được tế Thành Hoàng Bổn Cảnh ở đình làng. Lễ tế Trời tại Đàn Nam Giao do chính Hoàng Đế ngự tế chủ bái ở nước Việt Nam được đặc thành tục lệ từ đời vua Lý Anh Tông (1138 – 1175) nhà vua sai Đàn Viên Khâu phía Nam thành Thăng Long để tế Trời Đất. Đến đời Lê Thái Tổ (1428 – 1433) lễ tế Trời ở Đàn Nam Giao được cử hành vào đầu xuân hằng năm. Lễ tế Trời trong các triều đại phong kiến được tổ chức rất long trọng, nhà vua phải thành tâm ăn chay tịnh tâm hai ngày để cử hành đại lễ. Trong văn tế tại Đàn Nam Giao có những đoạn rất thành khẩn được lược dịch ra như sau:
“Mênh mông không xiết
Dốc dạ kỉnh thành
Công đức vòi vọi
Cùng Trời Đất chung.
Nhớ đức hiếu sanh
Sao cho xứng tình
Lễ phẩm dâng tế
Điềm tịnh hư không.
Biết tâu gì được
Mong hợp mệnh Trời
Phúc lành ban xuống
Khắp chốn an vui”.
Đoạn văn tế trên cho chúng ta thấy được truyền thống tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam qua các nhà vua đều tế Trời, còn trong nhân gian thường hay truyền tụng với câu ca dao: “Mùng chín vía Trời, mùng mười vía Đất”. Ngày mùng chín tháng giêng tất cả người dân Việt Nam hay cúng Thiên Sư để cầu Trời ban phúc cho cuộc sống trong năm được an bình vạn sự. Ngày nay Cao Đài Giáo ra đời cũng lấy ngày mùng chín tháng giêng âm lịch làm ngày vía Đức Thượng Đế Chí Tôn Đấng Giáo Chủ Cao Đài. Điều này chúng ta thấy rằng: tại sao Đạo Cao Đài không chọn ngày khác mà lại chọn ngày mùng chín tháng giêng làm ngày đại lễ Đấng Giáo Chủ của mình? Đây là một vấn đề mà người tu Cao Đài cũng cần tìm hiểu. Chúng ta thấy rằng Đức Thượng Đế không có ngày sinh, cũng không có ngày mất, thì lấy ngày nào để làm ngày vía của Ngài. Như vậy ngày mùng chín tháng giêng âm lịch hẳn có một ý nghĩa sâu sắc gì trong đó. Để tìm hiểu điều này chúng ta có hai điểm yếu sau:
Điểm yếu thứ nhất: Đạo Cao Đài ra đời tại đất nước Việt Nam , cho nên có ảnh hưởng nền văn hoá Việt Nam rất là sâu đậm. Ngày mùng chín tháng giêng là ngày các nhà vua đời xưa thường hay tế Trời, và nhân dân hay cúng Thiên Sư (Thầy Trời) vào ngày này.
Điểm yếu thứ hai: Đức Thượng Đế Chí Tôn là ngôi Thái Cực Thánh Hoàng, là nguyên thủy của vạn vật, là khởi đầu tất cả. Chúng ta thấy Thái Cực là ngôi một, lấy số 1 làm tiêu biểu, áp dụng vào thời gian thì tháng giêng là tháng thứ nhất trong một năm. Theo kinh dịch số 1 là số khởi đầu của vô cùng tận, số 1 là dương, số đầu tiên của các số lẻ, gọi là số cơ như: 1, 3, 5, 7, 9. Số 1, 3, 5 là số dương sinh, số 7, 9 là số dương thành, cho nên số 9 là thành số chi chung của dịch học. Toàn bộ kinh dịch lại lấy số 9 là hào cửu, dù cho tính đến đâu thì số 9 vẫn là nguyên số chót. Điều này cho chúng ta thấy Đức Thượng Đế khởi từ ngôi Thái Cực là ngôi số 1, nhưng Ngài là Đấng vô cùng vô tận biểu thị là con số 9. Vậy mùng 9 tháng giêng (tháng 1) là ngày vía của Ngài, hơn nữa Đạo Cao Đài ra đời đặt nền tảng trên kinh Dịch, mà kinh Dịch lấy số 1 làm số nhất dương sanh và số 9 làm số lão dương cho nên cũng hợp lệ vậy.
Ngoài hai điểm yếu trên cũng còn nhiều yếu điểm khác không thể nói ra đây hết được. Như vậy ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch hằng năm là ngày lễ lớn nhất của toàn Đạo Cao Đài. Tất cả tín đồ Cao Đài xem ngày này là ngày đầy ơn phước nhất trong năm, mọi người đều trai giới tinh nghiêm để dạ chí thành nguyện cầu Đấng Giáo Chủ ban điển lành để sáng suốt trên đường tu học và cầu nguyện cho quốc thái, dân an, thế giới thanh bình, Càn Khôn an định.
VI/ THAY LỜI KẾT:
Qua những dẫn luận trên cho chúng ta thấy Đấng Giáo Chủ Đạo Cao Đài thật vĩ đại vô cùng. Ngài là Đấng toàn thiện, toàn chơn, toàn mỹ, vô thủy, vô chung, tự hữu hằng hữu, vĩnh cửu tuyệt đối. Ngài là ngôi Thái Cực nhất nguyên của vũ trụ, là Đấng Chí Tôn vô đối, vô trung Đại Từ Phụ, là ông chủ cả Trời Đất, hay là Chủ Nhân Ông của tất cả mọi người. Ngài có công đức vô cùng, có quyền năng tối thượng, quyền pháp tối linh, bởi vì Ngài là Giáo Chủ của các Tôn Giáo và ngày nay đích thân giáng làm Giáo Chủ Cao Đài. Ngài vừa là Cha cũng vừa là Thầy của tất cả chúng ta. Ngài đã bao lần vì chúng sanh mà giáng trần mở Đạo. Hôm nay Ngài lại vì thương yêu tất cả chúng ta mà phế cả Bạch Ngọc Kinh để xuống thế ban truyền mối Đạo siêu mầu cho chúng ta tu học, điều này cho chúng ta thấy đức đại từ đại bi của Ngài thật vô cùng tận. Chúng ta duyên may gặp trong buổi Tam Kỳ đại ân xá của Ngài đó là ân phước vô cùng. Để không phụ công ơn to lớn của Ngài, chúng ta phải dốc hết lòng lo tu, lo học, nương theo quyền pháp và tất cả những lời dạy của Ngài qua kinh điển, Thánh Ngôn Thánh giáo mà thực hành sống Đạo và phải tu cho thành Đạo để được gặp Ngài ngay trong cuộc sống hôm nay. Vậy muốn gặp được Ngài chúng ta phải làm gì? Thánh Ngôn Ngài dạy:
“Con có Thánh Tâm sẽ có Thầy,
Thầy là Cha cả của Đông Tây;
Tây Đông dù biết hay không biết,
Thì đức háo sanh cũng thế này.”
Hay là:
“Mấy trẻ muốn gặp Thầy cũng dễ,
Dẹp phàm tâm chớ để dây dưa;
Đục, trong, quấy, phải ngăn ngừa,
Tham sân si ố tản chừa cho xa”.
Muốn gặp Đức Giáo Chủ Cao Đài là phải có Thánh tâm mới gặp được Ngài. Ngài ở trong ta khi chúng ta đoạn diệt hết phàm tâm. Hôm nay được làm môn đệ của Đức Cao Đài là niềm vinh hạnh lớn nhất của tất cả chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải dốc hết lòng tu học, chớ không phải chúng ta ỷ mình là đệ tử của Đấng Chúa Tể Càn Khôn rồi ra chê người khen mình, tự cho Đấng Giáo Chủ của mình là lớn, sanh lòng tự cao tự đại mà làm mất đi đạo hạnh của mình và trái lại với lòng mong mõi của Đức Thượng Đế Chí Tôn. Bài viết Tìm Hiểu Đấng Giáo Chủ Cao Đài đến đây đã hết, nhưng không có ngôn ngữ, giấy bút nào để nói hết được Đấng Giáo Chủ Đạo Cao Đài. Mong toàn Đạo hiểu nhiều hơn và cố gắng tu.
NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
Người viết: ĐỖ THẾ SƠN
Những bài viết có nội dung tương tự: