Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Quyền Pháp


QUYỀN PHÁP

(TRÍCH YẾU ĐIỂM GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO
CỦA CƠ QUAN PHỔ THÔNG GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO) 
 
Trong cơ tận độ kỳ ba, chính Đức Chí Tôn Thượng Đế nắm quyền Giáo chủ, lập một nền tân tôn giáo tại đất nước Việt Nam để khai minh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Sự sáng lập đạo Cao Đài trong thời kỳ này có ý nghĩa rất đặc biệt. Đó là sự gieo hạt giống tinh ròng trên mảnh đất được chọn để có đủ điều kiện cho một đại thụ đơm bông kết quả ở tương lai. Hạt giống đó, đối với Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, chính là mầm mống Quyền Pháp Đạo.
Tôn giáo Cao Đài là một thực thể của Quyền Pháp Đạo giữa các tôn giáo và giữa thế giới nhân loại. Người hướng đạo Cao Đài là người nhận lãnh sứ mạng Quyền Pháp từ Đức Chí Tôn Thượng Đế, để phát huy quyền năng vận hành cơ đạo, cải hóa nhân tâm và hoàn thiện xã hội.

1. Ý nghĩa tổng quát của Quyền Pháp

1.1. Định nghĩa

Quyền là năng lực của một chủ thể có đủ điều kiện tác động vào một hay nhiều đối tượng là thực thể, vật loại, tổ chức, tập thể hay cá nhân con người.
Pháp là trật tự, quy luật, cơ chế, theo đó chủ thể lẫn đối tượng phải tuân thủ để vận động đạt đến cứu cánh.
Quyền Pháp, theo nghĩa phổ quát nhất, là động năng hay tiềm năng siêu nhiên bất diệt ở trong bất cứ chủ thể nào trong vũ trụ, đang vận động điều khiển, điều hòa sự sanh hóa và điều độ sự tiến hóa của vạn vật.
Như thế, Quyền Pháp là đạo lý, là nguyên lý, theo đó mọi vật loại đã được đặt định để hoàn thành một sứ mạng.
Quyền Pháp là Đạo, vì Quyền Pháp vận hành theo Thiên cơ.
Đối với vũ trụ trước thời tạo Thiên lập Địa, “điểm Quyền Pháp được chứa đựng (trong Vô cực) là ngôi Thái cực, là Thầy.”[1] 
“Đại Từ Phụ nắm Quyền Pháp mới chuyển cơ sanh hóa vạn vật vũ trụ”[2], để vũ trụ từ Bản thể tiềm ẩn chuyển thành thực tại sinh động biến hóa không ngừng.
“Chính Quyền Pháp nằm trong sở vật thực tại chuyển biến và hóa sinh vạn loại. Cũng chính nhờ đó mà không vật nào biến mất, và cũng không có gì là tân tạo.”[3]
Đối với bản thân con người, “điểm Quyền Pháp là linh hồn. Nhờ đó mà (con người) sinh ra, trưởng thành, và có thể tiến hóa đến mức đổi phàm thành Thánh, thay tục hóa Tiên được.”[4]
Đối với tha nhân, “Quyền Pháp đạo không là điều cai trị. Quyền Pháp đạo chính là sự thương yêu, giải thoát cai trị để tiến hóa.”[5]
Đối với tôn giáo, Quyền Pháp là nhân tố “thúc đẩy mọi sở vật thực tại tôn giáo kết thành thực thể đạo cứu thế.”[6]
Tóm lại:
“Quyền Pháp là Cơ, là Lý, là phương định đưa truyệt đối vào sở vật tương đối, chuyển vô thường giả tạm vào siêu nhiên bất diệt.”[7]
“Sở vật thực tại được tạo thành và biến sanh đều do Quyền Pháp.”[8]

1.2. Những đặc điểm của Quyền Pháp

Quyền Pháp là công năng của Đạo mà chủ thể được phú bẩm như sự sống của vạn vật, hay được trao phó như sứ mạng của một nhân vật.
Đối với Đức Chí Tôn, Ngài là Đấng Chúa tể Càn Khôn, quyền của Ngài là tuyệt đối, nhưng Quyền Pháp cứu độ của Ngài cũng đặt ở trọng điểm Thiên nhân hiệp nhất:
“Cao Đài, chỗ Thiên nhơn hiệp nhứt,
Tá danh, hầu cứu vớt vạn linh.”[9]
Quyền Pháp luôn luôn đi đôi với sứ mạng của chủ thể. Có sứ mạng, đương nhiên có Quyền Pháp. Ngược lại, Quyền Pháp được ban trao mỗi khi sứ mạng được đặt để.
Quyền và Pháp là hai chiều vận động của chủ thể: một chiều tác động vào đối tượng, chiều kia thỏa ứng yêu cầu thăng tiến của đối tượng. Đó là tính Trung đạo của Quyền Pháp.
Quyền Pháp là sự sống và tình thương. Quyền Pháp không để đề cao ngôi vị của chủ thể mà để chuyển hóa, tạo dựng và hoàn hảo cho đối tượng (vong kỷ vị tha).
Quyền Pháp không dành riêng cho đẳng cấp nào hay chức vụ nào trong cõi vô vi cũng như hữu hình. Mỗi cá thể chúng sanh đều có Quyền Pháp tương ứng với sở dụng.
Quyền Pháp chỉ có hiệu năng khi được vận dụng phù hợp với Thiên cơ, hợp Đạo và lẽ sống.
Người chấp trì Quyền Pháp là người thọ mệnh của cấp trên và điều độ cấp dưới. Nếu đối với trên không thuận tùng, đối với dưới không tương đắc thì hành động không còn Quyền Pháp nữa.

2. Quyền Pháp Cao Đài trong Tam Kỳ Phổ Độ

2.1. Vai trò Quyền Pháp của đạo Cao Đài

Thế giới ngày nay đang ở trong giai đoạn cuối của chu trình Tam nguơn. Đó là một sở vật thực tại đang biến dưỡng. Nếu không có điểm Quyền Pháp bên trong để làm mầm sống, thì quá trình biến dưỡng này sẽ đưa thế giới đến chỗ tự hủy diệt.
Bởi thế, khai mở cơ cứu độ kỳ ba, trước tiên Đức Thượng Đế lập tôn giáo Cao Đài để làm điểm Quyền Pháp. Tôn giáo này phải đạt đến khả năng thúc đẩy mọi sở vật thực tại tôn giáo kết thành thực thể Đạo cứu thế trong Tam kỳ phổ độ, cũng như cái ngòi gà trong quả trứng vậy.”[10]
Trong sứ mạng thực thi Quyền Pháp, Cao Đài giáo chỉ đóng vai trò tác năng chuyển hóa chứ không có mục đích độc tôn giữa các tôn giáo trên hoàn cầu. Mỗi tôn giáo đều phải có Quyền Pháp Đạo mới trở thành một thực thể Đạo cứu thế thuần chánh.
“Quyền Pháp không giao cho riêng ai, cho xã hội nào, cho tôn giáo nào. (…) Tùy tâm ý mà đạt định, tùy sứ mạng mà nhận lãnh. Quyền Pháp là Thầy, là Đạo, là động năng thúc đẩy tạo thành thánh đức sau hội Long Hoa. (…) Trong sở vật thực tại tôn giáo trên thế giới, tất cả tôn giáo từ xưa nay đang biến dưỡng tranh chấp để tiến hóa (…)”[11]
Để có được Quyền Pháp Đạo, các tôn giáo phải quy hiệp tinh thần trong một giáo lý thuần nhất của Đại Đạo, chứ không phải quy hiệp các hệ thống tổ chức hiện hành của mình về hệ thống tổ chức của tôn giáo Cao Đài.
Muốn các tôn giáo trở thành những “động năng thúc đẩy” nêu trên, Cao Đài đã đề ra tôn chỉ “Tam giáo quy nguyên” và nguyên lý “Thiên nhân hiệp nhất” trong cơ Đạo.
Tam giáo quy nguyên. Đức Chí Tôn quy nguyên Tam giáo, lập thành Đại Đạo cũng chính là thiết lập Quyền Pháp Cao Đài. Bởi vì Tam giáo phát sinh từ Đại Đạo để giáo hóa chúng sanh trong Nhứt kỳ và Nhị kỳ phổ độ theo ba đường lối Nho, Lão, Thích tùy theo căn cơ và xu hướng con người. Ngày nay, đến thời kỳ tận độ hạ nguơn, là cơ cứu độ cuối cùng, Đức Chí Tôn quy nguyên Tam giáo thành một pháp môn duy nhứt tức Tân pháp Cao Đài, có khả năng cứu độ toàn diện, là “Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát.”
Quy nguyên được Tam giáo thì chánh pháp sáng tỏ, bởi vì chánh pháp thị hiện ra ở chỗ đắc nhất của Tam giáo. Từ đó vạn giáo sẽ thấy sáng tỏ cương vị của mình trong chánh pháp và góp phần lập thành hệ thống đạo pháp thống nhất, tức “Ngũ chi phục nhứt.”
Thiên nhân hiệp nhất. Thiên nhân hiệp nhất chính là Quyền Pháp tối thượng của Cơ cứu độ kỳ ba, đã trở nên nguyên lý khai đạo, hoằng đạo, đắc đạo của Đại Đạo thời Hạ nguơn.
“Thầy sắp cuộc dinh hoàn tái tạo,
Dụng huyền linh Đại Đạo vận hành;
Quyền Thầy hiệp cả vạn linh,
Đông Tây kim cổ lập thành tương lai. [12]
Chính sự hiệp nhứt giữa Thượng Đế với chúng sanh nơi Thiên lý phản bổn hoàn nguyên của vũ trụ sẽ làm nên Quyền Pháp cứu độ Kỳ ba cho thế gian này.
Một khi có sự hiệp nhất giữa Nhân và Thiên nơi tâm linh người Thiên ân, là lúc Quyền Pháp được ban trao để tiến hành sứ mạng:
“Chính sự giao tiếp giữa tâm con và Thánh ý mới làm nên sứ mạng Thiên ân, để vận hành theo Thiên lý, cứu độ quần sanh.”[13]
Như thế Quyền Pháp Đạo không mông lung mà là sự vận dụng Thiên lý, Thiên cơ tại thế gian bởi người thực hành Thiên đạo:
“(…) Thiên nhơn hiệp nhứt, sứ mạng của Trời sẽ được sáng giá nhờ những bàn tay của thế nhân hoặc ngược lại.”[14]
Về mặt đạo pháp, Quyền Pháp chính là Chơn Thần của Đức Chí Tôn từ bi phú bẩm cho con cái Ngài trong kỳ ba tận độ này, nhờ đó mới có thể tu hành đắc đạo được. Ngài đã dạy:
“Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày đạo bị bế. Lập Tam Kỳ Phổ Độ này, duy Thầy cho Thần hiệp Tinh Khí đặng hiệp đủ Tam Bửu là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập thánh”[15]
và:
“Thầy đến đặng hoàn nguyên Chơn thần cho các con đắc đạo.”[16]

2.2. Sự thiết lập Quyền Pháp trong Hội Thánh Cao Đài

Buổi sơ khai của Đạo, khi Đức Chí Tôn ban Pháp Chánh Truyền để lập Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Quyền pháp đã được Ngài đặt để một cách hết sức tinh nghiêm giữa Tam Đài, giữa các chức sắc, và rất mực thượng tôn mục đích phổ độ vị nhân sanh.
Quyền Pháp giữa Tam Đài. Bát Quái, Hiệp Thiên và Cửu Trùng, mỗi Đài đều có Quyền Pháp trong lãnh vực đảm trách. Nhưng Quyền Pháp của Hiệp Thiên Đài đặc biệt điển hình cho công năng vận hành Đạo pháp từ Bát Quái Đài để tác động vào đối tượng Cửu Trùng Đài, rồi đến lượt đối tượng thi hành sứ mạng chuyển hóa nhân sanh và sau cùng trở về hiệp nhứt với Bát Quái Đài sau khi thành đạo. Nên Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã xác định vai trò Quyền Pháp trung gian hệ trọng của Hiệp Thiên Đài rằng:
“Hiệp Thiên Đài nắm giữ Quyền Pháp, mới đưa Cửu Trùng Đài vào Bát Quái, chuyển lý hành tàng của Bát Quái vào Cửu Trùng.”[17]
Vai trò tối yếu ấy của Hiệp Thiên Đài không phải chỉ do quyền hạn của chức sắc Hiệp Thiên Đài tại thế gian mà có, nhưng bởi:
“Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo. Hễ Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài vẫn còn.” [18]
Điều đó cho thấy Quyền Pháp dù cao trọng đến đâu cũng là sự thọ nhận chấp trì thượng lệnh, đồng thời thi thố quyền năng pháp độ thực hiện sứ mạng, chứ không phải đơn phương tự phát.
Quyền Pháp giữa các chức sắc Hội Thánh. Có thể chọn Quyền Pháp của Đầu Sư làm điển hình. Theo Pháp Chánh Truyền, Đầu Sư là người “đặng quyền thay mặt cho Giáo Tông và Hộ Pháp trước mặt nhơn sanh”[19] để “cai trị phần đạo và phần đời của chư môn đệ Chí Tôn”[20] Nhưng Đầu Sư “chẳng đặng phép tự ý riêng mình mà thi thố điều chi không có lịnh của Giáo Tông và Hộ Pháp truyền dạy.”[21]
Ý nghĩa của Quyền Pháp càng nổi bật qua hai khoản quan trọng trong Pháp Chánh Truyền đối với quyền hành của Đầu Sư:
“Chúng nó [Đầu Sư][22] phải tuân mạng lịnh của Giáo Tông, làm y như luật lệ của Giáo Tông truyền dạy.”[23]
“Như thảng luật lệ nào nghịch với sự sinh hoạt của nhơn sanh thì chúng nó đặng cầu xin hủy bỏ.”[24]
Như thế, đối với trên thì tuân mạng, đối với dưới phải vị nhơn sanh. Đó là Quyền Pháp của bậc Chức Sắc hay trang Hướng Đạo.
Nhưng Quyền Pháp còn phải rất phân minh giữa những người đồng sự với nhau. Như trong Pháp Chánh Truyền, về quyền hành Chánh Phối Sư, được chú giải như sau:
“(…) Người nắm trọn quyền hành sự nơi tay, chỉ tùng lịnh Đầu Sư phán dạy thế nào thì phải tuân theo thế ấy; chẳng đặng cải mạng lịnh tự mình chế biến; nhứt nhứt đợi lịnh Đầu Sư, song Đầu Sư cũng không đặng phép giành quyền hành sự của ba vị ấy. Hễ Đầu Sư lấn quyền hành sự mà không do nơi Chánh Phối Sư thì là quá quyền mình, ắt phải phạm Pháp Chánh Truyền.”[25]

3. Quyền pháp của người sứ mạng

Ở đâu có sự đặt để cứu thế độ đời, ở đó có sự hiện hữu của Quyền Pháp. Nhận lãnh Quyền Pháp mà không thi hành sứ mạng thì không thể hiện được Quyền Pháp; ngược lại, nhận lãnh sứ mạng mà không chấp trì Quyền Pháp thì sứ mạng không hoàn thành.
Đối với người sứ mạng, Quyền Pháp là khả năng vận dụng nguyên lý Đạo vốn hằng hữu trong Bản thể tâm linh của chính mình để tác động vào đời sống nhân sinh và tâm linh của tha nhân, hầu cứu độ tha nhân. Ở đây, Quyền Pháp chính là sự dụng công của một chủ thể, là sự phát huy khả năng chủ sử của tâm linh trong sứ mạng cải hóa quần sinh.
“Quyền” hay “Pháp” thật ra cũng chỉ là một. Sỡ dĩ có sự phân biệt là do có sự khác nhau ở đối tượng tác động của tâm linh chủ thể.Quyền là hình thức thể hiện trước đối tượng, Pháp là thể hiện trước bản thân”[26].
Nói cách khác, khi người sứ mạng vận dụng khả năng chủ sử của tâm linh để tự thánh hóa chính mình hầu có thể hành động với tinh thần của một Thiên sứ, thì khi đó cái Đạo, cái Tâm được thể hiện thành cái Pháp; còn khi vận dụng khả năng ấy cứu độ tha nhân, thì Đạo (Tâm) được thể hiện thành Quyền.
Quyền là tình thương, Pháp là sự sống. Thật vậy, gọi Pháp là sự sống vì đạt được Pháp chính là nắm được quy luật tồn tại và tiến hóa trong càn khôn vũ trụ; còn gọi Quyền là tình thương vì đạt được Quyền chính là đạt được khả năng giáo hóa, cứu độ tha nhân, thể hiện được tình Tạo Hóa mà Trời đất đã vận dụng trong cuộc điều hành vạn vật.
Có thể nói nguồn gốc của Quyền Pháp phát xuất từ Đạo pháp:
“Quyền Pháp cũng là Đạo pháp. Đạo pháp là Quyền Pháp. Người hướng đạo lãnh đạo phải học cho tinh vi quán triệt cái quyền để chấp pháp được nghiêm minh, cũng như người tu luyện phải hiểu thấu được cái điểm Đạo duy nhất mới hành được cái pháp.”[27]
Thế nên, muốn chấp trì được Quyền pháp, điều quan trọng là phải đắc được cái Pháp. Đắc được Pháp thì đương nhiên chấp được Quyền. Nếu chỉ có Quyền mà không có Pháp, thì Quyền không còn tác dụng cứu độ tha nhân nữa:
“Có Quyền không có Pháp, không đưa con người đi về đâu; trái lại, sẵn sàng xô ngã con người vào lạc lầm u tối.”[28]
Thế nên, cần nhấn mạnh rằng, người sứ mạng phải tu học Thiên đạo đại thừa mới đạt được cái Pháp để thực thi cái Quyền:
“Có chức tất có vị, có vị tất có quyền. Quyền đạo đòi hỏi người thiên ân hướng đạo có pháp đạo tương xứng theo cấp bậc điều hành hướng đạo thì Quyền Pháp sẽ nghiêm minh.”[29]
Điều đó đã được đức Chí Tôn khẳng định trong huấn từ sau đây của Ngài:
“Đại Từ Phụ Ngọc Hư sắc tứ,
Ban thiên ân nam nữ điện tiền;
Phụng hành lý Đạo cơ Thiên,
Song tu tánh mạng, pháp quyền xương minh.”[30]

4. Kết luận

Quyền Pháp của Tam Kỳ Phổ Độ đã có và đang có; sứ mạng Quyền Pháp còn đang diễn tiến chứ chưa hoàn thành.
Tất cả những sở vật thực tại trong thời Hạ nguơn đều đang biến dưỡng, đang chịu quy luật đào thải và bảo tồn.
Thứ đến, dân tộc được chọn phải thắp sáng ý thức sứ mạng chứ không chỉ dừng lại ở lòng tin Thầy mến Đạo mà thôi. Mảnh đất tuy có ấp ủ hạt giống đã gieo, nhưng những điều kiện hỗ trợ chưa đáp ứng đúng mức, thì hạt vẫn chưa thể nẩy mầm.
Trong khi đó, hàng Thiên ân hướng đạo cần tu chứng để lập thành thế Thiên nhân hiệp nhất, hầu trợ lực cho cơ đạo tiến triển nhanh chóng.
Nếu không làm được Đông thành Xuân, phàm tục thành Tiên Thánh, loạn nên trị, chiến đấu ra an bình, vị kỷ ra đại đồng, chính là chưa đạt được Quyền Pháp đó.”[31]
Cuối cùng, cần ghi nhớ:
“Quyền Pháp là Thầy, là Đạo;”[32]
và:
“Quyền Pháp Đạo là tình thương và sự sống;”[33]
với lời nhắc nhở của Đức Chí Tôn:
“Có nắm được Quyền Pháp thì đạo mới hoằng khai; có tình thương, sự sống mới hòa bình an lạc. Đó là điều kiện duy nhất để con trở về bến khởi nguyên Đại Đạo, về cùng Thầy.”[34]







[1] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Nam Thành Thánh Thất, 01-01-Kỷ Dậu (17-02-1969); Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969, tr.88-89.
[2] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Nam Thành Thánh Thất, 01-01-Kỷ Dậu (17-02-1969); Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969, tr.88-89.
[3] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Nam Thành Thánh Thất, 01-01-Kỷ Dậu (17-02-1969); Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969, tr.88-89.
[4] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Nam Thành Thánh Thất, 01-01-Kỷ Dậu (17-02-1969); Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969, tr.88-89.
[5] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Nam Thành Thánh Thất, 01-01-Kỷ Dậu (17-02-1969); Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969, tr.88-89.
[6] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Nam Thành Thánh Thất, 01-01-Kỷ Dậu (17-02-1969); Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969, tr.88-89.
[7] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Nam Thành Thánh Thất, 01-01-Kỷ Dậu (17-02-1969); Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969, tr.88-89.
[8] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Nam Thành Thánh Thất, 01-01-Kỷ Dậu (17-02-1969); Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969, tr.88-89.
[9] Đức Ngô Minh Chiêu; Thánh Tịnh Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 01-03 Bính Ngọ (22-3-1966); Thánh Giáo Sưu Tập 1966-1967, tr.41.
[10] Đức Gíao Tông Vô Vi Đại Đạo; Nam Thành Thánh Thất, Ngọ thời, 01-01 Kỷ Dậu (17-02-1969), Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969, tr.90.
[11] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Nam Thành Thánh Thất, Ngọ thời, 01-01 Kỷ Dậu (17-02-1969), Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969, tr.88.
[12] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 9 giờ đêm 15-02 Quý Hợi (29-3-1983); Thánh Giáo Nguyên Bổn.
[13] Đức Diêu Trì Kim Mẫu; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Hợi thời, 15-04 Kỷ Mùi (10-5-1979); Thánh Giáo Nguyên Bổn.
[14] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn;Vĩnh Nguyên Tự, Tuất thời, 30-03 Quý Sửu (02-5-1973); Thánh Giáo Nguyên Bổn.
[15] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 25 Février 1926; Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.1, tr.12.
[16] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 25 Février 1926; Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.1, tr.12.
[17] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Nam Thành Thánh Thất, Ngọ thời, 01-01-Kỷ Dậu (17-02-1969); Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969, tr.88-89.
[18] Pháp Chánh Truyền, phần “Hiệp Thiên Đài”, tr.51.
[19] Pháp Chánh Truyền, phần chú giải Pháp Chánh Truyền về “Quyền hành Đầu Sư”, tr.11.
[20] Pháp Chánh Truyền, phần nguyên văn của Pháp Chánh Truyền về “Quyền hành Đầu Sư”, tr.10.
[21] Pháp Chánh Truyền, phần chú giải Pháp Chánh Truyền về “Quyền hành Đầu Sư”, tr.11.
[22] Chữ “chúng nó” trong nguyên văn của Pháp Chánh Truyền đều là do Đức Thượng Đế Chí Tôn sử dụng.
[23] Pháp Chánh Truyền, phần nguyên văn của Pháp Chánh Truyền về “Quyền hành Đầu Sư”, tr.12.
[24] Pháp Chánh Truyền, phần nguyên văn của Pháp Chánh Truyền về “Quyền hành Đầu Sư”, tr.12.
[25] Pháp Chánh Truyền, phần chú giải Pháp Chánh Truyền về “Quyền hành Chánh Phối Sư”, tr.15.
[26] Đạo Học Chỉ Nam, chương 4, tiết 4, mục 1.
[27] Đức Đông Phương Chưởng Quản; Thiên Lý Đàn, Tuất thời, 23-6 Canh Tuất (25-7-1970); Thánh Giáo Nguyên Bổn.
[28] Đạo Học Chỉ Nam, chương 4, tiết 4, mục 1.
[29] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 15-7 Ất Sửu (30-8-1985); Thánh Giáo Nguyên Bổn.
[30] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Hợi thời, 29-02 Mậu Ngọ, (06-3-1978); Thánh Giáo Nguyên Bổn.
[31] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Nam Thành Thánh Thất, 01-01-Kỷ Dậu (17-02-1969), Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969, tr.88.
[32] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Nam Thành Thánh Thất, 01-01-Kỷ Dậu (17-02-1969); Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969, tr.89.
[33] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Hợi thời, 30-12 Quý Sửu (22-01-1974); Thánh Giáo Nguyên Bổn.
[34] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Hợi thời, 30-12 Quý Sửu (22-01-1974); Thánh Giáo Nguyên Bổn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét