Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Công Quả


CÔNG QUẢ
Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý, Ngọ thời 14 tháng 5 Mậu Thân (9 - 6 - 1968)

Thi:
Nương ánh hồng quang đến cõi trần,
Mượn lời đạo lý khuyến sanh dân,
Tu hành để biết cơ mầu nhiệm,
Biết rõ an nhiên định số phần.

AN HÒA THÁNH NỮ chào chư Thiên mạng, chào chư liệt vị đạo tâm nội ngoại đàn tiền. Thánh Nữ xin mời chư liệt vị toàn thể đồng an tọa.
Hỡi chư liệt vị hướng đạo! Hỡi chư đạo tâm nam nữ! Hỡi con cháu lớn nhỏ! Dầu ở thế giới hữu hình, dầu ở thế giới vô hình, khi đã giác ngộ rồi, mỗi người đều cố gắng lo công quả hành đạo giúp đời, với hình thức nầy hoặc với hình thức khác để lập vị. Lập vị mà Thánh Nữ nói nơi đây không có nghĩa là địa vị vinh diệu cùng đỉnh chung phú quí chốn phù ba ảo ảnh nơi cõi vô thường nầy. Lập vị mà Thánh Nữ muốn nói nơi đây có nghĩa là vị cũ ngôi xưa từ khối Đại Linh Quang chiết ra, mỗi mỗi đi một nơi một ngả, mỗi người lo lập đức lập công để ngày nào đó trở về ngôi xưa vị cũ dâng hiến bao nhiêu công đức làm được kể từ buổi ra đi để xứng với sứ mạng của một tiểu linh quang đã thọ lãnh ngay từ miền thượng giới.
Đề tài Thánh Nữ sắp nói ra đây là: CÔNG QUẢ”.
Danh từ công quả rất thường nghe trên vành môi khóe miệng của mỗi người trong các Đạo Giáo hằng ngày. Cũng rất thường như những danh từ khác, nhưng về quan niệm ý nghĩa sâu sắc của nó không phải tầm thường như những danh từ bị lợi dụng.
Hỡi chư hướng đạo! Hỡi chư đạo tâm nam nữ! Việc làm công quả không phải chỉ phô trương trên hình thức rườm rà, hoặc vì muốn có danh có vị, hoặc vì làm theo dư luận, hoặc vì nể nhau, hoặc vì một quyền hành nào đó gây áp lực hay hoặc vì muốn làm cho xong để khỏi tai tiếng người đời rằng người tu sao nỡ điềm nhiên tọa thị trước cái khổ của người khác.
Nếu quan niệm như vậy thì chưa phải là làm công quả, vì mình chưa hiểu mình, chưa biết mình là ai, chưa hiểu nghĩa công quả là gì, và chưa biết làm thế nào mới đúng danh là CÔNG QUẢ, cũng không tự chủ lấy mình, làm chỉ làm với áp lực của ngoại cảnh mà thôi. CÔNG QUẢ muốn được chánh danh và đúng nghĩa của nó, đúng giá trị của nó và đáng được ghi phần âm chất, phải là công quả xuất phát từ lòng tự giác, tự nguyện và thiết tha với nó, xem nó là nguồn sống của đời người, như cơm ăn, nước uống, hơi thở, áo mặc, nhà ở, và như lương dược trị bịnh.
Đạo lý vẫn trường lưu từ cổ chí kim, từ giàu đến nghèo, từ sang đến hèn, từ già đến trẻ, từ lớn đến bé, từ không gian đến thời gian. Đạo lý vẫn luôn luôn trong muôn loài vạn vật, là cơ tạo Thiên lập Địa, phân Thánh lọc phàm. Vì vậy, công quả phải song song tương ứng, không phân biệt, không ngăn cách vì giá trị hình thức của nó, và phải trường lưu bất tận. Có như vậy, việc làm mới được đến nơi đến chốn, tôn chỉ và mục đích mới được đạt thành, gia đình mới được yên vui, quốc gia mới được phồn thịnh, nhân loại mới được thái hòa, mà nhứt là bản thân mới được yên ổn, chớ không phải vì ngoại cảnh thúc giục mà làm nhứt thời hay trong một giai đoạn nào đó chưa thể gọi là công quả.  hơi thở phải luôn luôn đều đặn nhịp nhàng theo buồng phổi, theo trái tim, nếu gián đoạn giây phút là sự chết đến liền. CÔNG QUẢ cũng vậy. Nếu làm theo giai đoạn, làm theo sở thích, làm theo ngoại cảnh hay một động lực nào đó, là công quả nhứt thời. Mà hễ nhứt thời giai đoạn là phải xáo trộn, sẽ đưa đến cái bắt đầu của cái bắt đầu.
Thường thấy nơi cõi trần gian nầy cũng có thứ công quả mà người có tiền mượn làm, và người không có tiền đi làm giùm. Nếu giá trị công quả ấy đúng với lẽ công bình của Tạo Hóa thì Thái tử Tất Đạt Đa ngày xưa có thể mở kho khai vựa đem hết bảo tàng ra mượn người khác làm để cho mình đắc Đạo, thì có cần chi phải lìa bỏ ngai vàng điện ngọc chu du pháp thí, v.v...
CÔNG QUẢ giá trị là ở từ đáy lòng thiết tha phát khởi mà làm, dầu có phương tiện như hoàn cảnh, của cải tiền tài, dù trong cảnh nghèo nàn túng rối, mà tận đáy lòng thiết tha với công quả, vẫn có giá trị muôn đời.
Mình vừa làm vừa kêu gọi người khác làm, chớ không phải chỉ đưa ra một lý thuyết, một giải pháp cho người khác làm, trong lúc đó mình đi làm những việc khác.
Kiểm điểm lại trên bốn mươi năm qua, từ trong chỗ rừng hoang đồng vắng, vẫn có người xây dựng nên Chùa Thất, Thánh Đường nguy nga đồ sộ, từ trong giới nghèo nàn dốt nát cũng vẫn có những người đạo tâm dám hy sinh từ bản thân và sự nghiệp tạo dựng nên hữu tướng để làm chỗ đào tạo cơ sở dân sanh, dân trí, dân đức, chớ nào phải chỉ ở thành thị thủ đô mới làm được hay sao!
Công quả không phải chỉ ngồi trong văn phòng sáng choang đèn điện quạt máy cùng đủ tiện nghi. Công quả không chỉ ở nơi giàu sang trí thức, lý thuyết khơi khơi, mà công quả từ chỗ tinh thần lý thuyết đến chính mình thực hành phần việc đó.
Hỡi chư hướng đạo! Hỡi chư đạo tâm nam nữ! Trên đời thường nói câu: "Xay lúa giã gạo thì khỏi bồng em", nghĩa là mỗi phần việc đều có công, có giá trị tương đương của nó. Chư liệt vị vào Đạo tu thân là muốn lập công quả để giải trừ nghiệp chướng oan khiên từ nhiều tiền kiếp. Đó là tốt lắm. Thương thay! Trong lúc đó đa số người còn chưa hiểu, chỉ lăn vùi theo thế gian hữu thể, làm theo thị dục, thị thính, thị khán, nên đã phải trả quả nhồi trong giữa thời cộng nghiệp của chúng sanh mà chư liệt vị đã và đang chứng kiến.
Hỡi chư liệt vị! Kinh nhựt tụng có câu: Trung Dung Khổng Thánh chỉ rành”. Tô đậm hai chữ Trung Dung”. Có thể nói hầu hết trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, chưa ai hiểu tận tường và thực hành hai chữ Trung Dung”.
Vì thiếu nó nên sự điều hành guồng máy hành đạo thường vấp phải mọi trở lực. Đó là khi cẩn thận thì cẩn thận quá, không dám làm điều gì. Khi thưa thớt hời hợt quá thì việc làm cũng dễ bị hư. Lúc dễ dãi quá thì quyền pháp đạo luật cùng Thánh Dụ Qui Điều bị giẫm chân. Khi khắt khe quá thì việc làm dễ bị ngưng trệ. Tình thương khi rộng rãi quá, thiếu sự kiểm điểm và làm cho nhẹ danh nghĩa của tổ chức; khi khó khăn quá làm xa lần những bạn có chân tài và thiện chí. Người thì sốt sắng quá, người lại đình trệ lung, người thích làm hơn nói, nhưng nếu không nói chỉ bảo ắt bị làm sai. Khi mến thích thì mọi việc sơ hở đều khoan dung tha thứ mà luật lệ chẳng nghiêm minh; lúc chẳng ưa, dầu việc hay việc phải cũng làm ngơ trong cái giả ngơ. Đó là những điều trong một vài khía cạnh của sự thiếu trung dung.
Trải qua những cơn đen tối chết chóc hãi hùng, tự cho là may, là có Thiêng Liêng ủng hộ. Phải hiểu như vầy: Thượng Đế không đem cái phước cũng như cái họa đến cho ai. Thượng Đế chỉ cầm cân giữ mực công bình. Ai gây tạo những quả lành đương nhiên đơm bông kết quả lành. Ai gây tạo những mầm ác đương nhiên kết quả đơm bông điều ác. Dầu muốn dầu không, dầu ai có thể thêm vào hoặc bớt ra cũng không thể được. Đó là định luật, là công bình của Tạo Hóa. Sự lành, sự dữ, sự rủi, sự may, sự được, sự thất, đều do mình gây tạo mầm móng của nó. Thiêng Liêng luôn luôn vẫn đến với người đời, là khi nào tâm hồn trong sạch, tư tưởng đến việc thiện lương, có ích cho người cho vật. Chớ đừng tưởng rằng Thiêng Liêng lúc nào cũng đến với người tội lỗi, đem vật chất tiền bạc hiến dưng, mà tiền bạc vật chất đó có bởi điều làm chẳng thiện.
Thánh Nữ xin để lời giã ơn chư hướng đạo, chư liệt vị đạo tâm nam nữ và giã ơn tử tôn lớn nhỏ. Xin lui điển, thăng.
Nguồn: tamgiaodongnguyen.com